“Cà phê Sài Gòn” có dịp biểu diễn tại Phú Yên trong khuôn khổ Trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM. Tuy điều kiện sân khấu, ánh sáng, âm thanh chưa hoàn hảo nhưng các nghệ sĩ múa của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM đã để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả.
"Cà phê Sài Gòn" là vở múa đương đại được dàn dựng và biểu diễn vào năm 2018 bởi hai biên đạo Joost Vrouenraets và Maite Guerin khi đến TP HCM để nghiên cứu về khả năng tổ chức một chương trình múa đương đại.
Xuyên suốt buổi diễn là hình ảnh những đôi tình nhân tâm tình bên nhau trong không gian một quán cà phê. Không chỉ có giây phút tận hưởng hạnh phúc, vỗ về mà còn là sự chán ghét, đay nghiến đến tột cùng, lạnh lùng, tàn nhẫn vứt bỏ nhau.
Mạch cảm xúc được kết nối bằng lời dẫn chuyện, ở đó nghệ sĩ múa đã đem đến cho khán giả những rung động nhẹ nhàng: "Em hay hỏi anh là, tại sao tâm trí anh dễ phai. Và nói anh là, tại sao tâm tình anh dễ quên. Thế thì em này, có cuộc tình nào không phai như tình anh và em…".
Đoàn Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM chụp hình lưu niệm cùng các sinh viên Trường ĐH Phú Yên
"Cà phê Sài Gòn" có nhiều ngôn ngữ múa mới táo bạo, hình ảnh nghệ sĩ ôm ghế trên đầu, linh hoạt uyển chuyển hoán đổi vị trí liên tục hay những lần quăng quật, đập mình xuống sàn gây ấn tượng mạnh. Để làm được những điều đó, đòi hỏi cao về thể lực, kỹ thuật và sự khéo léo, tinh tế của nghệ sĩ múa.
Vở múa có sự tham gia của 10 nghệ sĩ thuộc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM, gồm: NSƯT Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Thạch Hiểu Lăng, La Mẫn Nhi, Bùi Thanh Ngân, Sùng A Lùng, Nguyễn Minh Tâm, Đặng Minh Hiền và Phan Thái Bình. Đây là thế hệ nghệ sĩ múa trẻ tài năng, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực múa của TP HCM.
Biểu diễn trong điều kiện sân khấu không đạt chuẩn, thiếu chiều sâu để thực hiện một số động tác nên đoàn đã có những thay đổi nhằm phù hợp với không gian nhưng vẫn cố gắng không làm mất đi sự liên kết và mạch nối của tác phẩm.
"Sàn diễn và ánh sáng không thể hiện hết được sự độc đáo và tinh thần vốn có của "Cà phê Sài Gòn" nhưng cảm xúc vẫn thổn thức trong mỗi bước nhảy, mỗi động tác. Biểu diễn trước nhiều sinh viên trẻ làm mình phấn khởi và đã cố gắng hết sức để các bạn có được trải nghiệm trọn vẹn trong lần đoàn múa đến với Phú Yên" – nghệ sĩ múa Sùng A Lùng bày tỏ.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Bá Thái cũng dành lời khen ngợi cho đoàn đã dày công tập luyện, nghiêm túc với việc làm nghề: "Dù đây chỉ là buổi diễn giao lưu miễn phí với sinh viên Trường ĐH Phú Yên nhưng các bạn đã có sự điều chỉnh kịp để vở diễn được thực hiện chỉn chu, chuyên nghiệp và trọn vẹn cảm xúc nhất".
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc xúc động: “Đây là lần đầu tiên có dịp được tận mắt xem một vở múa đương đại, thật lòng chưa thể cảm nhận hết được ý đồ biên đạo nhưng rất cảm phục tinh thần và sự lao động hăng say của các bạn trẻ. Hy vọng trong thời gian tới, khán giả Phú Yên có dịp được tiếp cận loại hình nghệ thuật độc đáo này”.
Trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM diễn ra từ ngày 28-3 đến 2-4 tại tỉnh Phú Yên với nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, tham quan các di tích lịch sử để có thêm tư liệu quý trong việc sáng tác những tác phẩm múa độc đáo, có giá trị.
Theo Hà Giang/NLĐO
Bình luận (0)