Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mùa hái lộc rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Khi những cơn mưa núi rừng trút nước xuống đất đai đã qua bao ngày khô hạn, những thân tre già vặn mình, hút nhựa đất, bung ra những chồi măng non rẽ đám rễ xơ cằn để trồi lên mặt đất. Mùa hái lộc rừng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn lại bắt đầu…

Những gùi măng nặng trĩu sau một ngày băng rừng của bà mế Vân Kiều

Lộc rừng

Những cung đường Trường Sơn đi qua hai huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị những ngày này xanh ngút ngàn tầm mắt. Đồng bào Vân Kiều bảo nhau: “Mùa đi lấy A băng!”. A băng theo nghĩa tiếng Việt là măng rừng. Với đồng bào vùng cao, măng rừng là một thứ lộc trời ban, giúp họ có thêm món ăn no cái bụng trong mùa giáp hạt và có thêm thu nhập từ việc bán măng về miền xuôi. Mùa măng bắt đầu từ độ tháng 6 đến tầm cuối tháng 10, và rộ nhất vào độ Trung thu. 8 giờ sáng, khi ông mặt trời dần nhô lên cao, vén màn mây khỏi những cánh rừng xanh mịt mùng, bà con bắt đầu í ới gọi nhau lên rừng, đến những vạt cây họ tre: tre lay, tre lồ ô, tre luồng, giang… mọc ken dày để tìm măng. Xế chiều, khi cơn mưa giông cuối hạ đì đùng chớp giật, họ vội vã gùi những gùi măng nặng trĩu trên vai, bấm những bước chân trần thật chặt xuống mặt đất trơn trượt để trở về, kịp tránh những trận mưa trút nước. Gùi trên vai cả gùi măng nặng trĩu, ước chừng tới vài chục cân, Pỉ Hột (48 tuổi), người đồng bào Vân Kiều ở Đakrông nói: “Bây giờ thời điểm măng vào chín mùa nên việc tìm măng dễ hơn. Mỗi ngày tui hái được khoảng hơn chục bẹ măng. Mỗi bẹ bán được tầm 8 đến 10 ngàn đồng, tùy bẹ to hay nhỏ. Nhờ đó, có tiền đổi gạo cho các con ấm cái bụng giữa mùa mưa”. Không riêng Pỉ Hột, với nhiều đồng bào ở miền rẻo cao này, thu nhập từ măng rừng gần như là nguồn thu chính, ngoài đám ruộng rẫy mỗi năm chưa được vài tạ lúa, trong khi gia đình họ phần lớn rất đông con, nhà ít nhất cũng tới 4, 5 người. Không chọn cách bẻ măng lồ tươi, Pỉ Thương ở xã Xy (huyện Hướng Hóa) lại mang về chợ Khe Sanh những bó măng lay, măng hông vừa luộc chín. “Mẹ già rồi, đôi chân mỏi rồi nên không gùi được nhiều, mẹ bẻ măng lay, măng hông rồi về luộc lên và mang về chợ, rao bán dọc đường đi. Một bó măng là 10 nhánh, to khoảng bằng cán liềm, có cái bằng ngón chân cái, mẹ bán 25 ngàn đồng. Mỗi ngày mẹ kiếm được từ nghề hái măng khoảng 30 ngàn để mua gạo, muối”.

Măng được bà con Vân Kiều bày bán bên đường

Người dân bản thường có câu: “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt!”. Nghề bẻ măng rừng không hề đơn giản như việc lội xuống suối bắt con cá hay tuốt buồng lúa rẫy trên nương. Pỉ Thương bộc bạch: “Gai tre cào xước cả tay, rách cả áo là chuyện thường. Đó là chưa kể, gai từ măng đâm vào da thịt vừa xót vừa ngứa rất khó chịu. Mùa này rừng lại nhiều sên vắt, mỗi buổi lên rừng ít nhất cũng có vài con bu bám… Rồi trời mưa, đất rừng trơn nhẫy, dép mặc được ba bữa đã đứt. Tiền bán măng không bù đủ tiền mua dép. Chỉ còn nước đi chân đất, bấm từng ngón chân xuống mặt đất, dồn hết sức lực để bước đi trong khi vai vác nặng không phải là chuyện dễ, trượt ngã như thường, nhất là đối với người già yếu, cánh phụ nữ”. “Nhưng ở rừng sống phải nhờ rừng!”, Pỉ Thương nói thêm. Cái quan niệm sống nhờ rừng ấy của người Vân Kiều, Pa Cô cũng thật đáng để ý. Họ không vơ vét cạn kiệt những gì có thể kiếm được. Họ chọn măng để bẻ nhưng cũng không quên việc để lại những thân măng đủ mạnh khỏe để nối đời tre cho mùa sau. Họ yêu cánh rừng của mình như người nông dân miền xuôi yêu mảnh vườn sum suê cây trái.

Đặc sản cho ngày mưa

Ngày thu se lạnh, mưa dầm, bưng bát cơm thơm mùi lúa mới, miên man nhớ bữa cơm xưa ở quê nhà lam lũ. Hình dung đôi chân trần dính đầy bùn đất, đôi vai oằn xuống của những người mế Vân Kiều, Pa Cô, môi ngậm tẩu thuốc nhưng đôi mắt vẫn sáng rực với nụ cười chân chất. Đời sống nhọc nhằn lam lũ, nếu không có những mùa măng từ lộc rừng, hẳn những đứa con của họ khó ấm cái bụng những ngày tìm chữ trên ghế nhà trường!

Với bà con dân bản, món măng rừng luộc chấm boi tiêu (muối ớt xanh) luôn có mặt trong những bữa cơm ngày mưa, có nhiều gia đình, thiếu gạo thì măng thay cơm. Cũng là món ăn được chú trọng nhất trong bữa cơm đãi khách. Vài năm trở lại đây, nhu cầu của người tiêu dùng miền xuôi càng nhiều. Măng ở miền xuôi bày bán quanh năm nhưng là loại măng được trồng với đa số là măng tre bát độ. Hiển nhiên độ ngon, thơm và giòn thua hẳn măng rừng. Nhờ đó, những bà mế vùng cao lại có thêm nguồn thu nhập từ nhu cầu này. Dọc cung đường đến với miền rẻo cao hai huyện Hướng Hóa, Đakrông những ngày này, măng được bà con bày bán ngay vệ đường. Có nhiều nhà, chỉ kê chiếc đòn càn ngay đầu ngõ, để lên đó vài ba bẹ măng vừa bẻ được trên đường lên rẫy. Khách ngang đường muốn mua cứ việc gọi chủ nhà. Nhiều bà mế còn gùi A chói măng đi bán rao… Món măng rừng chấm ruốc trở thành đặc sản đâu đó trong những nhà hàng sang trọng hay nằm đâu đó trên kệ măng chua dầm ớt ở miền xuôi. Khách đi ngang về tắt trên cung đường Trường Sơn, nhất là dịp cuối tuần đều tranh thủ tấp xe vào vệ đường, mua vài bẹ măng về làm quà.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

  

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)