Khu “chợ trời” ở ngã 3 Hoàng Minh Giám – Nguyễn Kiệm |
Hiện nay, tại TP.HCM, những khu “chợ trời” tự phát hoạt động ngày càng hỗn loạn. Giá cả cũng đủ loại, rẻ thì như cho mà đắt thì… trên trời, còn chất lượng được tóm gọn vào hai chữ hên xui.
Vậy nên mới có những chuyện dở khóc dở cười của khách mua hàng ở khu “chợ trời”. Đặc biệt là sinh viên (SV), đối tượng thường ham đồ rẻ vì túi tiền eo hẹp, hay lân la ra ở khu chợ này để săn hàng.
Rẻ nên chất lượng chập chờn
Bạn Hồng Phương – SV năm 2 ĐH Hoa Sen cho biết: “Mình mới tậu được một máy sấy tóc ở “chợ trời” khu vực ngã 3 Hoàng Minh Giám – Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) với giá 60 ngàn đồng, lúc thử ở chợ thì máy chạy êm re nhưng về nhà vừa cắm điện vào, kêu lên được vài phút, máy đã cháy xém…”. Đồng cảnh ngộ, Y.H (SV năm nhất ĐH Ngân hàng than thở: “Một cái USB 4GB giá có 80 ngàn đồng, mình hí hửng mua ở đó về hai cái, vậy mà vừa tải được vài dữ liệu đã đầy ứ. Còn virus thì khỏi nói. Sợ luôn…”.
Có thâm niên 8 năm bán điện thoại cũ tại khu “chợ trời” này, anh Lê Văn Phương chia sẻ: “Đồ ở chợ được người bán mua gom lại từ các gánh đồng nát, ve chai hay đồ “chôm” được. Miễn là có hình hài, không biết “sống” hay “chết” đều mua hết, nên người mua cũng chỉ có thể hên xui về chất lượng thôi…”.
“Chợ trời” Lý Nam Đế (P.6, Q.11) chỉ xoay tròn quanh lô C1, C2 khu chung cư Lý Thường Kiệt nhưng nơi đây lại được coi là “thiên đường của đồ hitech”, đặc biệt với dân SV điện tử.
Để cho ra đời mô hình phòng thí nghiệm bỏ túi minilab, dù đã có chút ít vốn liếng kiến thức về điện tử, thế nhưng Hoàng Bảo Anh (SV năm cuối Khoa Vật lý điện tử ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) vẫn vớ phải “quả đắng” khi mua màn hình cảm ứng “chết ngỏm” với giá chưa đến 100 ngàn. Bảo Anh bức xúc “Khi mua, người bán đã đảm bảo đồ còn xài được. Nhưng khi về dùng thì hóa ra là đồ bỏ đi. Biết vậy nhưng mình vẫn thường xuyên lượn lờ ra “chợ trời” để lùng mua linh kiện điện tử bởi đồ ở đây rất rẻ, mà tìm gì cũng có…”.
Một khu “chợ trời” nữa cũng khá nổi tiếng nằm trên đường Âu Cơ, kéo dài từ P.14, Q.Tân Bình đến P.Tân Thạnh, Q.Tân Phú. Nguyễn Trung Kiên, SV Trường ĐH Ngân hàng kể lại lần mua hàng “hớ” của mình: “Đi chơi với bạn, tiện đường ghé “chợ trời” Âu Cơ, thấy có đôi giày hay hay, ông bán hàng nói hàng da xịn, đồ hiệu của một con nghiện bán lại. Mình mân mê hồi lâu, cũng thích nên mua với giá 350 ngàn đồng. Vậy mà vài bữa sau, đến một tiệm giày ở Q.3, chú bán hàng nói, đôi này là hàng Trung Quốc chứ hiệu gì…”.
Rối rắm giải quyết
Trước thực trạng “chợ trời” hoạt động ngày càng quy mô và phức tạp, bà Lê Thị Sao – Phó trưởng phòng Kinh tế Q.Tân Phú cho biết: “Chủ trương của quận là không bao giờ để những khu vực chợ như thế tồn tại. Đã có một thời gian dài, khu vực “chợ trời” đường Âu Cơ được dẹp yên, nhưng nay đã hoạt động trở lại và phát sinh thêm ra. Thời gian tới, UBND quận sẽ tích cực làm ráo riết hơn nữa, thường xuyên kiểm tra và xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm”.
Còn tại Q.11, ông Thái Minh Vũ – Phó chánh văn phòng UBND Q.11 cũng thừa nhận sự tồn tại của “chợ trời” Lý Nam Đế. “Khu vực chợ này là phát sinh ăn theo của chợ Nhật Tảo ngày trước. Quận xác định nơi đây không phải là khu vực buôn bán và cũng nhận được nhiều thư phản ánh của người dân về tình trạng bát nháo, nguy cơ tội phạm tại đây. Sau mỗi đợt tập trung ra quân giữa quận và P.7 thì dẹp yên được. Sau một thời gian thì chợ lại phát sinh. UBND Q.11 thường xuyên có văn bản chỉ đạo và huy động toàn bộ lực lượng thanh tra xây dựng chốt chặn tại khu vực phát sinh chợ. Thu và xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, cái khó là do không thể nào quản lý được các đối tượng bán, đồ thu về không biết xử lý thế nào, cứ để tồn đầy trong kho. Vì vậy, phải duy trì dài hơi, phối hợp chặt chẽ giữa Q.11 và P.7 để giải quyết triệt để khu vực “chợ trời” này…”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)