Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mua hàng nên xem kỹ mã vạch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chủ nhật tuần rồi tôi đi chợ cùng vợ. Có đi mua sắm mới biết nỗi cực khổ của các bà nội trợ là như thế nào. Ngoài việc cân-đo-đong-đếm sao cho tiết kiệm ngân quỹ gia đình thì sức khỏe cũng được lưu ý đặc biệt. Ghé qua thực phẩm đóng hộp, thấy sâm Cao Ly Hàn Quốc giảm giá, vợ tôi bước vào định bụng sẽ mua vài hộp làm quà biếu. Tuy nhiên khi cầm lên, nghía tới nghía lui thấy mã vạch không phải xuất xứ ở Hàn Quốc (3 số đầu là 880) mà là tại Trung Quốc vì rõ ràng mã vạch này là 690, lại có chữ “Made in PRC” (tức Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc). Hiện nay, do hàng Trung Quốc bị nhiều người ái ngại, nên các doanh nghiệp xứ họ đã khéo léo viết tắt cụm từ tiếng Anh này để lập lờ, khiến người tiêu dùng không biết ở quốc gia nào. Khi vợ tôi nói với chị bán hàng rằng đây là hàng Trung Quốc, thì ngay lập tức cô ta giật hộp sâm lại và bảo: “Đồ rẻ thúi mà còn soi mói”. Chẳng phải dạng vừa, vợ tôi đốp lại: “Xin lỗi chị, tôi là người bỏ tiền ra mua, dù rẻ cũng phải xem có đúng với những gì quảng cáo hay không. Chị kinh doanh không lành mạnh, đánh lừa người tiêu dùng mà còn lớn tiếng à?”. Thấy không ổn, tôi kéo vợ đi chỗ khác.

Qua các gian hàng khác, bà xã tôi cũng có thái độ tương tự, xem mã vạch, xuất xứ, công ty, hạn sử dụng rõ ràng mới dám mua chứ không thấy rẻ mà ham rồi mang về nhà. Trong siêu thị, dù là nơi đáng tin cậy, nhưng nàng vẫn soi hàng hóa rất kỹ tính. Khi tôi hỏi, làm sao biết hàng thật và hàng nhái thì nàng chỉ cách ngay: Ví dụ mã vạch Hàn Quốc có số 8809013350421. Lấy tổng các con số hàng lẻ (trừ số cuối cùng) là A=8+0+0+3+5+4=20; tổng các con số hàng chẵn là B=8+9+1+3+0+2=23; sau đó lấy C=(A+B)x3 = (20+23)x3= 129; cuối cùng lấy số 129 cộng với con số thứ 13 là D=C+1 (con số ở vị trí cuối cùng)= 129+1=130; con số này có đuôi bằng 0 có thể kết luận đây là mã vạch hợp lệ, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thực sự trong quan hệ gia đình nàng rất dễ chịu nhưng trong vấn đề sức khỏe nàng cực kỳ “khó tính”. Tôi không ngờ nàng chịu khó lên mạng nghiên cứu mã vạch của các quốc gia để khi đi mua hàng mà còn biết “né”. Đặc biệt mã vạch xuất xứ từ Trung Quốc 690 – 695 (3 số đầu) thì nàng không bao giờ chạm vào. Hoặc các loại kẹo mứt đóng hộp mà không có bất cứ nguồn gốc rõ ràng thì nàng không bao giờ mua. Nàng không phải là bác sĩ nhưng ít ra nàng biết bảo vệ sức khỏe cho cả nhà từ những bữa ăn an toàn.

Đặng Trung Thành

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)