Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mua hàng nhập, chú ý hạn sử dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Đọc kỹ hạn sử dụng và thành phần trên bao bì sẽ giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn.
Mặc dù đã có quy định các đơn vị nhập khẩu hàng hóa phải chịu trách nhiệm thực hiện việc ghi hạn sử dụng (HSD) bằng tiếng Việt khi phân phối, kinh doanh hàng hóa tại thị trường trong nước nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, người tiêu dùng nên tìm hiểu cách ghi HSD của một số sản phẩm thông dụng.
Mỗi quốc gia có cách ghi hạn sử dụng khác nhau
Theo Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, mỗi quốc gia đều có cách ghi HSD khác nhau. Chẳng hạn như hàng hóa từ Hàn Quốc đều ghi HSD theo ngày, tháng, năm sản xuất và HSD cụ thể cho từng ngành hàng. Đối với một số sản phẩm chỉ ghi tháng, năm thì có thể sử dụng đến ngày cuối cùng của tháng.
Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc thường ghi thời hạn sản xuất và ghi HSD bao nhiêu năm kể từ ngày sản xuất. Riêng hàng hóa nhập khẩu từ châu Mỹ có hai cách ghi HSD là tháng, năm và tháng, ngày, năm. Đối với hàng hóa ghi cụ thể ngày sản xuất thì phải nêu rõ ngày sử dụng tốt nhất. Hàng nhập khẩu từ châu Âu thường ghi thời hạn sản xuất và HSD theo thứ tự năm, tháng, ngày và cũng ghi thêm thời hạn sử dụng tốt nhất.
Mặt hàng mỹ phẩm được nhiều người quan tâm đến HSD khi chưa mở nắp hoặc đã mở nắp. Theo bà Nguyễn Đình Liên Chi, phụ trách đối ngoại nhãn hàng cao cấp của Công ty LOréal VN, tất cả sản phẩm khi phân phối tại VN đều phải ghi nhãn tiếng Việt theo thứ tự ngày, tháng, năm.
Tuy nhiên, trên thị trường có cả mỹ phẩm xách tay, nếu không am hiểu thì người tiêu dùng không biết được HSD vì các nhãn LOréal, Lancôme, Maybelline, Vichy, Garnier… đều ghi ngày sản xuất theo hai hệ thống quy ước ký hiệu là UAXXX hoặc UUAMXX; trong đó U, UU là tên nhà máy sản xuất; A là năm sản xuất; M là tháng sản xuất; XXX là số ngày sản xuất trong năm và XX là số lần sản xuất sản phẩm trong tháng. Ví dụ: trên bao bì ghi AE306, được hiểu A: nhà máy Aulnay (Pháp), E: năm 2008 (chữ cái A, B, C, D, E, F, G tương đương với năm từ 2004 đến 2010), 306: sản xuất ngày 306/365. Trên bao bì 40GN08, được hiểu 40 là ký hiệu của nhà máy Sicos (Pháp), G: năm 2010, N tháng 11 (số 1-9 tương đương với tháng 1-9, O: tháng 10, N: tháng 11 và D: tháng 12), 08: sản xuất đợt thứ 8 trong tháng 11. Các sản phẩm mỹ phẩm sẽ có HSD 3 năm kể từ ngày sản xuất. Ngoài ra, trên bao bì sản phẩm còn in thêm hình hộp sản phẩm đã mở nắp kèm theo thông số “6M”, “12M” là chỉ nên sử dụng sản phẩm trong vòng 6 tháng hoặc 12 tháng sau khi đã mở nắp. 
Tập thói quen đọc thành phần trên bao bì
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM, tiến sĩ Lê Minh Kiều, cho rằng bên cạnh việc chú ý đến HSD, người tiêu dùng cũng nên tập thói quen đọc thành phần trên bao bì. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng tránh những chất tác động xấu hoặc không phù hợp với cơ địa của mình.
Chẳng hạn, trên bao bì ghi thành phần MSG hoặc I&C có nghĩa là bột ngọt hoặc siêu bột ngọt, những người bị dị ứng bột ngọt không nên sử dụng sản phẩm này. Đối với hàng hóa có ghi thành phần saccharin, aspartame sẽ thích hợp với người ăn kiêng hoặc đang trong quá trình muốn giảm cân vì đây là những chất ngọt nhân tạo.
Nếu trên bao bì ghi axít béo no hoặc axít béo không no thì có thể hiểu đây là sản phẩm chứa hàm lượng mỡ động vật, không những không phù hợp với người béo phì mà ngay cả người có thể trạng bình thường cũng tránh dùng những sản phẩm trên.
Liên quan đến chất bảo quản và phụ gia, nếu trên bao bì ghi hương liệu hoặc phẩm màu thì có thể hiểu đó là hương liệu nhân tạo hoặc phẩm màu nhân tạo chứ không chiết xuất từ tự nhiên. Mặt khác, nên đề phòng các chất bảo quản có nguy cơ gây ung thư nếu sử dụng nhiều như nitrit, nitrat…
Mai Vân / Nguoi Lao Đong

Bình luận (0)