Hiện nay, mua bán hàng online không còn quá xa lạ đối với những người thường xuyên sử dụng Internet. Mùa cuối năm, phương thức mua hàng này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Khách hàng cần cảnh giác với những trang mạng bán hàng online không đủ thông tin |
Khuyến mãi ngập tràn
Mặc dù những vụ lừa đảo qua mạng thông qua phương thức mua hàng online là chiêu trò không mới, nhưng nhiều cách thức quảng cáo sản phẩm bằng lời lẽ “có cánh”, đi kèm với hình ảnh bắt mắt nên vẫn đánh trúng tâm lý nhiều người tiêu dùng. Cuối tháng 11 có ngày Black Friday mở đầu cho chuỗi kích cầu lớn nhất của giới kinh doanh với người tiêu dùng, bằng cách gọi mỹ miều tri ân khách hàng. Các tín đồ shopping cũng coi đây là khởi đầu cho mùa mua sắm tưng bừng nhất trong năm. Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam có thêm ngày hội mua sắm Online Friday là nơi để các công ty, doanh nghiệp có thể đăng những sản phẩm của mình đến gần với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng dựa vào thời cơ này mà nhiều doanh nghiệp không uy tín đã đưa những sản phẩm kém chất lượng hoặc khuyến mãi ảo khiến người tiêu dùng hoang mang.
Bắt kịp xu hướng của thế giới, Online Friday (ngày mua sắm trực tuyến) tại Việt Nam được quảng bá rầm rộ không kém bất cứ quốc gia nào. Nếu như năm đầu tiên, ngày hội mua sắm online này chỉ thu hút chưa đến 300 doanh nghiệp tham gia thì ở mùa thứ 3, số doanh nghiệp tham gia đã lên đến hàng nghìn. Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất năm Online Friday 2017 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 1 đến 3-12 tại TP.HCM. Đây là cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm sản phẩm chất lượng với mức giá ưu đãi đặc biệt từ những doanh nghiệp Việt Nam. Theo Ban tổ chức, mục tiêu của ngày Online Friday năm 2017 là thu hút 5 triệu lượt truy cập và sẽ có 1 triệu đơn hàng được giao dịch với tổng doanh thu kỳ vọng là 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên con số doanh nghiệp tham gia dự kiến cũng sẽ dừng ở mức 3.000 như năm ngoái. Ban tổ chức lo ngại không kiểm soát tốt các khuyến mãi không có chất lượng, không thực chất hay khuyến mãi ảo.
Cẩn thận trước các chiêu trò lừa đảo
Nhiều chiêu trò khuyến mãi ảo tuy đã quá quen thuộc nhưng vẫn đánh lừa được không ít khách hàng nhẹ dạ. Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đã bị xâm phạm khi nhiều người phải mua hàng hóa, dịch vụ với giá cả cao nhưng chất lượng kém, bị lừa mua hàng bởi các thông tin có tính dụ dỗ, lừa dối, chế độ bảo hành không như cam kết của bên bán hàng… Nhiều công ty bán hàng online đã nhập nhiều hàng giả, hàng nhái để trộn với hàng thật bán với giá siêu rẻ, nhưng thực chất là giá đắt so với giá trị thực thu lợi bất chính.
|
Không thể phủ nhận việc mua hàng online đem lại nhiều tiện ích với sự phong phú, đa dạng của các loại sản phẩm, người tiêu dùng có thể sở hữu một sản phẩm nhanh chóng mà không mất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, không phải website mua bán nào cũng là địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng, bên cạnh những tiện ích mà mua hàng online đem lại thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Chị Thu Nga (Q.2) chia sẻ: “Thỉnh thoảng, tôi cũng hay mua hàng trên mạng. Thời điểm cuối năm, đủ mọi chương trình được áp dụng nhằm mục đích cuối cùng của người bán là thu hút doanh thu cao nhất có thể. Tuy nhiên, đôi khi giữa quảng cáo và hiện thực là khoảng cách khá xa”.
Dịp cuối năm, các địa chỉ bán hàng trực tuyến như eBay, Amazon, 6pm, Sephora, Macy’s, ideel, Walmart… đồng loạt khởi động chiến dịch khuyến mãi rầm rộ. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm và lựa chọn chương trình giảm giá 30%, 50% thậm chí 90% tại hầu hết các cửa hàng trực tuyến này. Trong bối cảnh “nhà nhà kinh doanh online, người người kinh doanh online” như hiện nay, nhà phân phối tự ý đẩy giá sản phẩm lên cao rồi niêm yết giảm giá 40%, 60% thậm chí 90% để tăng sự cạnh tranh. Song, trên thực tế, giá sản phẩm sau khi chạy chương trình khuyến mãi vẫn bằng hoặc thậm chí cao hơn giá bán trên thị trường. Nhiều chiêu trò khuyến mãi ảo tuy đã quá quen thuộc nhưng vẫn đánh lừa được không ít khách hàng nhẹ dạ. Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đã bị xâm phạm khi nhiều người phải mua hàng hóa, dịch vụ với giá cả cao nhưng chất lượng kém, bị lừa mua hàng bởi các thông tin có tính dụ dỗ, lừa dối, chế độ bảo hành không như cam kết của bên bán hàng… Nhiều công ty bán hàng online đã nhập nhiều hàng giả, hàng nhái để trộn với hàng thật bán với giá siêu rẻ, nhưng thực chất là giá đắt so với giá trị thực thu lợi bất chính.
Khi gặp sự cố về mua sắm online, trước hết, khách hàng cần liên hệ với quản trị mạng của website, diễn đàn mua sắm đó để xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan. Nếu không giải quyết được, khách hàng có thể liên hệ với Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công thương để giải quyết. Để tham gia mua hàng online an toàn, hiệu quả, mỗi người tiêu dùng cần phải thận trọng, tìm hiểu và nâng cao cảnh giác trước khi đặt mua hàng.
Bài, ảnh: Thục Quyên
Bình luận (0)