Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mùa hè, cảnh báo tai nạn phỏng ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang sơ cứu cho một bệnh nhi bị phỏng. Ảnh: T.HIỀN
ThS.BS Đặng Thị Thanh Thúy (Phó trưởng  khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: “Số trẻ em nhập viện do bị phỏng nhiệt thường tăng cao vào những kỳ nghỉ dài như nghỉ Tết hay hè. Trong số đó có nhiều ca bệnh nặng phải điều trị trong một khoảng thời gian khá dài”.
Người lớn bất cẩn
Đôi khi những hành động của trẻ chỉ là một phản xạ như vô tình chạm phải bình nước nóng đang để trên bàn hay một nồi canh mà mẹ vừa nấu xong… Nếu như không may bị đổ lên người thì bản thân các bé sẽ bị phỏng với những cơn đau rát. BS. Thúy chia sẻ: “Trẻ nhập viện vì bị phỏng do đổ nước sôi, chạm phải pô xe máy khi đang còn nóng… thì bệnh viện thường tiếp nhận. Ngoài ra cũng có một số trường hợp bị phỏng do axít, nhà bị cháy, phỏng điện… Đa số phỏng ở trẻ em thường là phỏng nhiệt”. BS. Thúy cũng nhấn mạnh: “Mỗi ca phỏng sẽ có một nguyên nhân khác nhau nhưng tựu trung lại thì chính sự bất cẩn của người lớn là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị phỏng và phải vào viện cấp cứu”. Tại Khoa Phỏng của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng đang điều trị cho bệnh nhi N.A (4 tuổi, ngụ An Giang) bị phỏng do phụ huynh vừa đun nước sôi rồi để ca nước lên bàn nhưng do bé chưa nhận thức được nên đã cầm nguyên ca nước và xối lên người khiến bị phỏng nặng”. Các kỳ nghỉ dài như hè hay Tết là khoảng thời gian các em được nghỉ học ít khi phải chịu sự quản lý và nếu như phụ huynh không chăm sóc trẻ cẩn thận thì sẽ gây nên những tai nạn về phỏng rất thương tâm. Theo BS. Thúy thì trẻ em ở độ tuổi từ khi chập chững biết đi đến 7 tuổi là lứa tuổi hay bị phỏng nhiều nhất. Bởi đây là lứa tuổi thường hiếu động, tò mò muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh nhưng rõ ràng nhận thức về chúng thì còn hạn chế. Theo nhóm nghiên cứu của BS. Nguyễn Thống, BS. Đặng Tất Thắng (Khoa Phỏng, Bệnh viện Saint Paul Hà Nội) thì có tới 90,2% các em gặp tai nạn phỏng ngay trong gia đình. Đa số các bé bị phỏng ở các vị trí phổ biến là chi dưới, bụng, chi trên, bàn tay…
Sơ cứu phải đúng cách
“Phụ huynh nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi sơ cứu trẻ bị phỏng vì nếu làm đúng cách sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro. Đặc biệt lưu ý cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời” – BS. Thúy khuyến cáo!
Hầu hết số trẻ bị tai nạn do phỏng trước khi nhập viện đều được phụ huynh sơ cứu nhưng đã có không ít trường hợp tình trạng trở nên nặng hơn do việc sơ cứu không đúng cách. Theo quan niệm dân gian khi bị phỏng người ta thường sử dụng rất nhiều các biện pháp sơ cứu tạm thời để bôi lên chỗ phỏng như nước mắm, vôi, kem đánh răng… Tuy nhiên, BS. Thúy cho biết đây là những phương pháp sai lầm, không đúng cách thậm chí làm cho vết phỏng trở nên nặng hơn, độ phỏng sâu hơn dẫn đến nhiễm trùng. Chính vì vậy khi bị phỏng phụ huynh cần nhanh chóng làm mát vùng da bị phỏng, không cho nhiệt gây tổn thương da hơn nữa bằng cách dùng nước sạch dội vào chỗ bị phỏng từ khoảng 10-15 phút. Quan trọng là thời gian xối nước phải đủ thì mới có thể làm giảm được những tổn thương do bị phỏng. Sau khi sơ cứu tại chỗ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời tránh những biến chứng xảy ra. Nếu như trẻ được sơ cứu đúng cách sẽ góp phần làm giảm độ sâu phỏng, mức độ sốc, mức độ nặng, tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong. Cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên khi bị phỏng dù diện tích và độ sâu không lớn nhưng có thể gây nên những ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của trẻ. Khi nói tới các biện pháp phòng ngừa tình trạng bị phỏng ở trẻ em thì BS. Thúy cho biết, các biện pháp chỉ mang tính chất chung chung, quan trọng vẫn là vấn đề chăm sóc, quan tâm của phụ huynh đối với con cái. Chẳng hạn khi vừa nấu xong đồ ăn mà còn nóng hay nước sôi thì cần để xa tầm với của trẻ. Việc sử dụng các ổ điện cũng cần lưu ý để ở nơi an toàn, cần trang bị nắp đậy…
Nghiêm Quế
 
 
Theo một nghiên cứu thì trong hầu hết các trường hợp bị phỏng có thể tránh hoặc giảm nhẹ tai nạn nếu có ý thức phòng ngừa tốt cũng như kiến thức về sơ cứu, mà đơn giản là ngâm vùng bị phỏng vào nước lạnh. Tuy nhiên, cách xử trí đúng này chỉ có 31,5% phụ huynh biết thực hiện.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)