Y tế - Văn hóaThư giãn

Mùa hè để dành

Tạp Chí Giáo Dục

Tuổi thơ tôi đong đầy hương lúa chín, mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng và biết bao lần mót lúa, bán dế, làm diều “bỏ ống heo” để mua dụng cụ học tập, chuẩn bị cho năm học mới. Trong xóm, cùng trang lứa chỉ có mình tôi là con gái, còn lại là năm anh chàng hiền và ít nói. Sáu đứa chơi chung và thân nhau từ khi chưa vào lớp mẫu giáo, rồi tự lúc nào không biết, khi vào cấp 1 chúng tôi đã rủ nhau kiếm tiền từ những “sản phẩm” của ruộng đồng.

Còn nhớ những buổi trưa hè, không có đứa nào ngủ trưa, chúng tôi hẹn gặp nhau ở bờ ao, tụ tập dưới bóng cây trâm để làm diều bán. Bạn Kiên chặt trúc, bạn Lộc làm khung diều, Tâm cắt giấy tập cũ, còn Giang, Duy và tôi thì tập trung dán diều bằng những hạt cơm nguội mà tôi đem theo. Những cánh diều đơn sơ hình thoi, được chúng tôi dán bằng giấy tập cũ, 3 cái đuôi diều thật dài được bố trí ở 3 góc của hình thoi khi tung lên cũng phấp phới mạnh mẽ ra phết. Mỗi chiếc diều thành phẩm, chúng tôi đem bán cho các bạn trong lớp và trong xóm. Bán được bao nhiêu, chúng tôi chia theo đầu người.

Khi lúa vào mùa trổ bông, lũ nhóc chúng tôi lại lên kế hoạch đi bới dế ở bờ ruộng. Vì tôi là con gái nên chỉ ngồi canh hộp đựng dế. Năm bạn trai thi nhau bới dế bằng tay không. Ai mà bắt được dế là tập tức la toáng lên hoặc nhảy cẫng như con cào cào vì vui mừng và hãnh diện. Những chú dế màu đen tuyền hay màu hung vàng, lớn hay loại trung sẽ được định giá khác nhau. Tiền bán dế được bao nhiêu, nhóm tôi lại chia theo đầu người.

Mùa dế hết, cũng là khi lúa bắt đầu chín và vào mùa thu hoạch. Chờ đến khi người lớn cắt lúa xong, cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị thúng, bao, nón, liềm làm “hành trang” đi mót lúa. Dọc theo những bờ ruộng lúa thường bị cắt sót, ở những đống rơm mới hoặc khoảnh sân mới tuốt lúa còn vương vãi đều là “địa bàn” chúng tôi ưu tiên để hoạt động. Lúa thu được từ việc giũ rơm hay vét ở những sân tuốt lúa, chúng tôi đem về đưa ra cầu ao sông để đãi sạch. Lúa từ việc cắt mót, chúng tôi cũng đem về rồi cùng túm tụm, hì hục đập vào thanh gỗ dài để thu hạt. Vui nhất là khi cha mẹ thấy chúng tôi siêng năng, lại bàn nhau góp tặng chúng tôi những đấu lúa sạch sẽ, vàng ươm. Sau cùng, lúa được chia ra và mỗi người đều có trách nhiệm phơi khô, rồi tập trung lại ở nhà tôi để chờ bán “ké” với… lúa của người lớn. Đến khi bán được lúa, tiền lại được chia theo đầu người.

Thường vào độ cuối tháng 7, sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu, cũng là khi chúng tôi bắt đầu “tổng kết” để chuẩn bị cùng mẹ đi chợ mua đồ dùng học tập. Chỉ theo mẹ đi chợ một buổi, là chúng tôi lại có thể khoe với nhau nhãn vở mới, viết mới, cặp mới và một vài dụng cụ mới khác nữa. Ngày ấy chưa thấy bán miếng bao tập bằng plastic như bây giờ, nên mua được cuốn báo Liên Xô để bao tập cũng đủ làm cho chúng tôi vui sướng tột độ.

Đất trời nay đã chớm mưa, những chùm hoa phượng đỏ đã chớm thắp lửa rực rỡ ở những sân trường. Nhớ lắm những cánh đồng cũ, những kỷ niệm tuổi thơ, những mùa hè “để dành”. Tất cả như đang ùa về trong tâm trí tôi.

Bích Vân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)