Cùng với các loài động vật có nọc độc, rắn độc luôn có nguy cơ gây hiểm họa cho sức khỏe và tính mạng con người. Nếu không biết đề phòng và sơ cấp cứu kịp thời thì khi bị rắn độc cắn chúng ta rất khó có thể bảo toàn được mạng sống cho bản thân mình.
Cần đề phòng rắn độc trong mùa hè. Ảnh: I.T |
Vào mùa hè, có không ít bệnh nhân phải vào BV cấp cứu vì bị rắn cắn trong đó có cả một số loài rắn độc gây nguy hiểm chết người.
Nọc độc vô cùng nguy hiểm
Cách đây không lâu, BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã may mắn cứu sống thành công một trường hợp bệnh nhi bị rắn cực độc cắn. Theo lời kể của gia đình, trước đó, cháu Hồ Thị Lý SN 2002 (xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đang đi ngoài đồng thì bị rắn chàm quạp cắn vào chân trái. Biết đây là loại rắn cực độc nên ngay sau đó, người dân nhanh chóng đưa cháu ra BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng để cấp cứu. Tình trạng bệnh nhân hết sức nguy kịch vì bị rối loạn đông máu nặng và có các dấu hiệu như đi tiểu ra máu, sưng từ chân lên ngực, có nguy cơ chèn ép khoang, hoại chi và cần phải dùng huyết thanh kháng nọc rắn. Qua 3 lần được truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng rối loạn đông máu và hoại chi của bệnh nhân đã dần cải thiện tích cực và sau đó sức khỏe của cháu Lý được hồi phục.
Tuy nhiên đây là trường hợp thật sự may mắn vì BV Chợ Rẫy đã nhanh chóng chuyển huyết thanh kháng nọc rắn kịp thời để giành giật mạng sống cho cháu nếu không cháu khó có thể qua cơn nguy kịch.
Gần đây nhất là 6 bệnh nhân phải vào BV Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị rắn cắn, trong đó có 2 người trong cơn nguy kịch.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết rắn sinh sôi, phát triển mạnh nhất vào mùa hè nên đây cũng là thời điểm có nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn độc cắn. Vì thế những người đi đồng lội ruộng cần chú ý. Theo ThS. Nguyễn Trung Nguyên, rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến. Tại Trung tâm Chống độc, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu.
Tránh sai lầm đáng tiếc
BS Nguyên khuyến cáo, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau, nên tùy theo loại rắn độc để có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị. Hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau, nên tùy theo loại rắn độc để có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị.
Sai lầm lớn nhất của bệnh nhân khi bị rắn cắn là áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) mới được đưa vào cấp cứu.
BS Võ Hữu Hội – Khoa Hồi sức nhi (BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) lưu ý, khi bị rắn cắn không nên ráng hút nọc độc hoặc chích, rạch tại vùng vết cắn như thói quen lâu nay. Cũng không cần phải cố gắng bắt hoặc giết rắn. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo vì không có tác dụng. Vì tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.
TS. Phan Quốc Kinh – Trường ĐH Dược Hà Nội khuyên, khi có người bị rắn cắn nhất là biết được rắn độc nên cho bệnh nhân nằm yên một chỗ, không để bệnh nhân tự đi lại vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Dù vết thương nhẹ hoặc chưa đau cũng cần có sự tư vấn của thầy thuốc. Nếu không ảnh hưởng tính mạng thì cũng tránh được những biến chứng sau này có thể xảy ra. Tránh chủ quan coi thường những vết cắn của rắn. Người nhà nên áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ độc bằng nẹp tre hoặc gỗ. Nhanh chóng cận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện dễ dàng và an toàn nhất đến cơ sở y tế có uy tín. Tốt nhất là biết những BV có sẵn huyết thanh kháng độc rắn để tránh chuyển viện liên tục. Nếu thấy bệnh nhân có triệu chứng khó thở thì cần phải hô hấp nhân tạo kịp thời như hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay… Sau đó nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất có khả năng cứu chữa như truyền máu và chế phẩm máu đúng liều lượng trước khi dùng huyết thanh kháng độc. Cứu chữa rắn độc cắn không thể chậm trễ mà phải càng nhanh càng tốt dù một phút một giây.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)