Y tế - Văn hóaThư giãn

Mùa hè mát lành, “thơm ngọt” như quả ổi của THẦN ĐỒNG Nhật Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Thần đồng Nhật Nam được mẹ dành cho những mùa hè mát lành, "thơm ngọt" như quả ổi trong túi áo.

Hè đến, các mẹ không biết nên cho con chơi thả ga hay ép con “học kì thứ 3”, vậy các mẹ hãy tham khảo cách tạo ra mùa hè mát lành, “thơm ngọt” như quả ổi trong túi áo mà mẹ THẦN ĐỒNG Nhật Nam dành cho con nhé.

"Hot mama" Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ, hè đến, có nhiều bậc phụ huynh hay hỏi chị có nên cho con chơi thoải mái hay không vì sợ nếu chơi như vậy sẽ dễ quên kiến thức, vào năm học mới sẽ chệch choạc.

Mua he mat lanh, “thom ngot” nhu qua oi cua THAN DONG Nhat Nam
"Hot mama" Phan Thị Hồ Điệp

Mỗi lần nghe câu hỏi đó, chị lại trả lời rằng: Trước hết, mùa hè không phải là học kì thứ ba. Nên đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để con được tận hưởng bao điều thú vị: Về quê, chơi các trò chơi của tuổi nhỏ, ngủ nướng một chút, xem ti vi nhiều hơn một chút, đi bơi, đi dã ngoại, bắt ve, thả diều, đá bóng…. Ôi chao là hấp dẫn.

Tuy nhiên, đối với chị, mùa hè cũng là mùa các con học được nhiều nhất: Học cách làm bếp, cách chia sẻ việc nhà, học cách tự ở nhà một mình, tự lên kế hoạch sắp xếp thời gian, học cách chơi sao cho an toàn và tất nhiên, cả học kiến thức nữa. Nhưng học kiến thức trong mùa hè khác hẳn với việc học trong năm học.

Mua he mat lanh, “thom ngot” nhu qua oi cua THAN DONG Nhat Nam
Dạy tiếng Anh cho các em nhỏ cũng là cách để Nam củng cố kiến thức

"Hôm nay chị sẽ kể về việc chị hướng dẫn cho Nam tăng cường khả năng viết khi nghỉ hè. Để cho có vẻ “oai”, hai mẹ con thống nhất gọi mỗi một bài viết (bài tìm hiểu) là một Dự án. Trước khi bắt tay vào Dự án, Nam sẽ hoàn thành ba bảng sau:

Bảng 1: Lựa chọn Dự án (chủ đề): Bảng này chia thành ba cột, bao gồm: Những dự án (chủ đề) tôi lựa chọn/ Điều tôi thích ở Dự án (chủ đề) này/ Điều tôi chưa thích ở Dự án (chủ đề) này.

Bảng 2: Các tài liệu phục vụ cho Dự án: Bảng này chia thành ba cột: Những tài liệu tôi cần cho Dự án/ Tôi có thể tìm chúng ở đâu/ Khi nào tôi có thể tìm được.

Bảng 3: Xác định các nhiệm vụ của Dự án: Bảng này chia thành ba cột: Các bước (bước 1, 2, 3…)/ Khi nào tôi sẽ thực hiện/ Đánh dấu sau khi thực hiện xong.

Ái chà, có vẻ là rất “khoa học” rồi. Giờ thì Nam sẽ bắt tay vào thực hiện. Trước hết là tìm các Dự án (chủ đề), thôi thì vô biên nhé. Tất cả những gì bạn í quan tâm, ví dụ: Tìm hiểu vũ trụ/ Tìm hiểu các loại cá/ Các hệ chữ đặc biệt/ Những điều “vô lí” trong truyện cổ tích Việt Nam…

Nói chung chị sẽ khuyến khích Nam nghĩ đến những điều có vẻ lạ lùng” một chút. Đồng thời khi nghĩ ra Dự án (chủ đề) cũng hình dung xem chủ đề đó sưu tầm hình ảnh, tài liệu có dễ dàng không.

Và Nam sẽ tiến hành từng bước theo bảng trên. Làm dần dần, không vội vàng.

Có thể thực hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Mỗi Dự án (chủ đề) chị đều làm cho con một cuốn sổ để có thể ghi chép, dán, minh họa. Và kết thúc bao giờ cũng là phần trình bày dự án và nhận xét của… Hội đồng giám khảo (bao gồm bố và mẹ).

Mua he mat lanh, “thom ngot” nhu qua oi cua THAN DONG Nhat Nam
Những chuyến dã ngoại cũng là trải nghiệm thú vị để học hỏi của Nam

Trong quá trình con làm, mẹ luôn là người đóng vai “ngơ ngác”. Ngơ ngác vì đặt câu hỏi nhiều: Em tìm được tài liệu gì rồi? / Mẹ thấy Dự án có vẻ khó nhằn/ Nếu mẹ hiểu ngược lại thì liệu còn đúng không… Kiểu những câu hỏi khiến Nam rất có mong muốn chứng minh: Em sẽ làm được.

Chị cũng thấy, lên bảng biểu chi tiết rồi nhưng khi bắt tay vào viết là con gặp khó khăn. Nên chị thường gợi cho con. Ví dụ, khi Nam tìm hiểu về loài rồng komodo, phần mở đầu có thể là: Dự án này sẽ trình bày về một con vật kì lạ, có tên là rồng komodo. Khi bạn đọc xong, bạn sẽ hiểu, tại sao chúng lại kì lạ, chúng ăn gì, sống ở đâu, những điều bạn chưa biết về chúng. Nếu bạn vẫn chưa cảm thấy hứng thú, tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện li kì về việc loài rồng này đã chiến đấu với rắn hổ mang. Bạn sẵn sàng cùng tôi “lên đường” đến xứ sở của rồng komodo chưa nào.

Đấy, những “mở đầu” như thế cũng chính là một sự gợi ý cho Nam trong quá trình triển khai. Và bạn í hào hứng không thể tả. Để hoàn thành Dự án, cần sử dụng kĩ năng: Lên kế hoạch- chọn tài liệu- sắp xếp ý- chọn hình ảnh- trình bày ( dưới dạng viết, vẽ, dán, thuyết trình).

Em nhớ luôn theo sát để động viên, khuyến khích, hỏi về tiến độ. Có thể con sẽ treo Bảng kế hoạch lên để cả hai mẹ con cùng theo dõi. Quan trọng nhất là kiên nhẫn vì thông thường, nói thì rất dễ mà các bạn í khi làm thấy khó là bỏ.

Việc này có thể áp dụng cho các bạn từ lớp 1. Em có thể gợi ý cho con chọn chủ đề đơn giản, như: tìm hiểu về loài mèo, giới thiệu về những bức ảnh ấn tượng của gia đình, về cách di chuyển của loài kiến…Thú vị lắm!", chị Hồ Điệp kể. (FBNV)

Chúc các mẹ và bé có mùa hè thú vị!

Đỗ Nhật Nam SN 2001, Năm 11 tuổi, cậu bé lập kỷ lục "người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam". 13 tuổi, Nhật Nam được mệnh danh là "thần đồng" tiếng Anh, dịch giả nhỏ tuổi nhất. Hiện tại Nam đang là du học sinh tại trường Saint Paul, bang Texas (Mỹ) và giữ chức Tổng giám đốc tờ báo Creative Melange – tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á.

NGUYỄN PHƯƠNG/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)