Tòa soạnThư đi – tin lại

Mùa hè, nguy cơ trẻ chết đuối cao

Tạp Chí Giáo Dục

Nên đưa trẻ đi học bơi để tự bảo vệ mình (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: N.RĂNG
Tình trạng trẻ em bị chết đuối thời gian qua đang ở mức báo động. Theo thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam thì trong số khoảng 7.000-7.200 trẻ em chết do tai nạn thương tích/năm thì tỷ lệ đuối nước chiếm 50% các trường hợp, đa phần do không biết bơi. Phòng tránh tai nạn chết đuối của trẻ, đặc biệt trong những ngày hè là một việc làm cấp bách.
Nhiều tai nạn đau lòng
Nhiều tai nạn chết đuối ở trẻ rất thương tâm trong sáu tháng đầu năm 2011 này như ngày 1-1, hai em Hồ Thị Mỹ Trâm (11 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Ngân (12 tuổi, cùng ngụ xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang) đang chơi đùa thì nghe tiếng Ngô La Sil (7 tuổi, cùng địa phương) kêu khóc vì rớt dưới hố nước nên tìm cách kéo Sil lên. Không may, cả hai em Trâm và Ngân đều trượt chân té xuống hố và chết đuối do không biết bơi. Ngày 16-2, em Nguyễn Văn Điều (9 tuổi) và em ruột là Nguyễn Văn Hòa (6 tuổi, ở thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) ra bờ sông Tiền chơi, không may bị té xuống sông tử vong đến ngày hôm sau mới tìm thấy xác. Gần đây nhất, trưa 15-5, bốn em học sinh lớp 12 ngụ xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa (Phú Yên) rủ nhau lấy xuồng máy đi chơi trên sông Ba và bị chết đuối. Tại Tiền Giang, từ ngày 9-4 đến 15-5 có đến ba vụ đuối nước làm tử vong năm học sinh bậc tiểu học và THCS. Và còn rất nhiều trường hợp trẻ bị chết đuối với 1.001 nguyên nhân khác.
Thời điểm nghỉ hè, các em ở thành phố thường được ba mẹ cho xả hơi bằng việc đi bơi, picnic hoặc về những vùng quê sông nước chơi. Còn ở vùng quê, vì trời nắng nóng nên các em hay rủ nhau đi tắm sông, ao hồ… Nếu các bậc phụ huynh sơ sẩy không chịu để mắt tới con trong những trường hợp này thì nguy cơ trẻ bị chết đuối sẽ rất cao. Anh Nguyễn Văn Quân (quận Tân Bình – TP.HCM) cho biết: “Tôi vốn là dân miền Tây sông nước nhưng thú thật đến giờ vẫn không biết bơi. Chính vì thế, tôi luôn tạo mọi điều kiện cho hai con tôi được học bơi để tự bảo vệ mình. Nhiều lần về quê tôi được biết, đa phần trẻ ở vùng sông nước nhưng khi té sông lại không tự cứu được mình. Có gia đình cùng lúc có hai, ba đứa con chết đuối. Do ở vùng quê thiếu phương tiện vui chơi giải trí nên những cái hố, hầm, ao mương… đôi khi trở thành điểm vui chơi của trẻ em. Điều này cực kỳ nguy hiểm”. Tất cả các em tắm ao hồ vào mùa hè, không có sự giám sát của người lớn nên đã để lại hậu quả rất đau lòng. Và sau khi xảy ra trường hợp tử vong do chết đuối, dư luận nhận định, đánh giá rồi cùng đưa ra các giải pháp nhưng con số chết đuối vẫn không dừng lại, mà ngày càng có chiều hướng gia tăng…
Cần đưa môn bơi lội vào nhà trường
Theo Liên đoàn Cứu sinh Quốc tế (ILSF), tỷ lệ chết vì đuối nước của trẻ em Việt Nam cao gấp 2 đến 3 lần so với mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, tất cả các trường học ở nước ta, môn học thể dục chiếm một thời lượng không hề nhỏ suốt từ lớp 1 đến khi tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, nhìn vào chương trình học thể dục của học sinh – sinh viên, tuyệt nhiên không hề thấy nhắc gì đến chuyện học bơi. Nước ta lắm sông suối, nhiều ao hồ và lũ lụt thường xuyên xảy ra, vậy tại sao không dạy cho học sinh môn bơi – điều không thể thiếu của kỹ năng sống, một trong những nguyên tắc thiết yếu để tồn tại. Bộ GD-ĐT cũng đã có thực hiện “ý tưởng” trên nhưng thực ra chỉ mới là lý thuyết. Học bơi mà không có hồ bơi, không dám đưa học sinh đi tập bơi thì “học” như thế nào? Chúng ta thường nói đến “chuẩn” này, “chuẩn” kia như mỗi học sinh có mấy mét vuông, bao nhiêu cây xanh nhưng quên mất cái chuẩn căn bản là trường học là phải có bể bơi. Không thể viện lý do về sự tốn kém hay thiếu vốn đầu tư vì ở nông thôn hoàn toàn có thể tận dụng hệ thống ao làng, ở thành phố thì việc xây dựng thêm một vài bể bơi là điều không khó. Trong tương lai, cần phải có kế hoạch – lập trình hẳn hoi là tất cả các trường học xây mới đều phải có bể bơi. Không có gì là tốn kém một khi những chi phí đó có thể đem lại sự bình an cho trẻ em và nhất là chúng ta không phải xót xa nhắc lại chuyện trẻ em bị cướp đi mạng sống chỉ vì chết đuối.
Chị Ý Như (TP.HCM) cho biết: “Tôi rất đồng tình với chủ trương dạy bơi cho các em. Cần cho trẻ học bơi, học ở bất cứ độ tuổi nào. Ngoài ra, cũng cần phải học cách cứu người không biết bơi như thế nào cho đúng cách. Việc học bơi ở nhà trường sẽ góp phần tăng cường sức khỏe cho học sinh, qua đó cũng phát hiện những mầm non tài năng thể thao cho nước nhà”.
NGỌC RĂNG – MINH THI

Bình luận (0)