Mùa hè là mùa nghỉ ngơi của mọi học sinh. Tạm gác lại chuyện sách vở, các em tìm những thú vui tại bể bơi, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa hay những chuyến du lịch… Thế nhưng ở nhiều miền quê nhất là những vùng đất nghèo ở miền Trung, miền Tây Nam bộ nhiều em phải lao vào cuộc sống mưu sinh, chấp nhận sự vất vả cực khổ, không bao giờ biết đến hai chữ: nghỉ hè.
Giọt mồ hôi trên cát
Gần một tháng nay du khách đi tham quan ở Bàu Trắng thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đều gặp một nhóm trẻ em cả trai lẫn gái ở độ tuổi 10 đến 15 dù trời nắng nóng vẫn đứng giữa cát để đón khách. Trên tay mỗi cô bé, cậu bé đều có vài ba tấm nhựa có hai sợi dây để phục vụ du khách trò chơi trượt cát. Mỗi lần thấy vài đoàn khách vừa ra khỏi đám phi lao chuẩn bị cuộc bộ hành đồi cát thì nhóm trẻ vội vàng chạy túa ra mời chào. Nét mặt rạng rỡ hiện lên trên từng đứa khi có một người khách đăng ký trò chơi. Tôi đang loay hoay đi tìm một cảnh đẹp trên đồi cát để chụp thì một đứa bé chạy tới: “Chú ơi chơi trượt cát đi chú. À, chú muốn chụp hình phải không?”. Cô bé chỉ độ khoảng 12-13 tuổi nhưng nước da đã thấm màu của nắng của gió vùng biển miền Trung. Mới chừng đó tuổi mà trên khuôn mặt cô bé đã hiện rõ những nét vất vả, lam lũ của cuộc đời. Những giọt mồ hôi trên khuôn mặt em nhễ nhại rơi giữa cái nắng rát người. Không giày dép, đôi chân trần của em vẫn đứng trên cái lò lửa bỏng da bỏng thịt này. Để làm dịu độ nóng trên đồi cát, cô bé còn khoác thêm một chiếc áo rộng thùng thình ở bên ngoài nhưng như vậy lại làm cho vóc dáng của em già thêm. Cô bé tự giới thiệu tên Thư , năm nay vừa học xong lớp 7 hết hè em vào học tiếp lớp 8 Trường THCS Hòa Thắng cách đây khoảng 5 cây số. Thư kể cuối tháng năm nghỉ hè, một tuần sau em cùng các bạn trong xóm gia nhập đội quân làm thêm ở khu du lịch Mũi Né này. Do tấm trượt tự chế nên vốn liếng chả là bao, chỉ vài chục ngàn tiền mua tấm nhựa là đủ. Mỗi tấm trượt bề ngang chỉ khoảng nửa mét, bề dài một mét. Một đầu dùi bốn lỗ cho hai sợi dây vào để có chỗ cầm là xong. Giá cả phục vụ cũng rẻ, mỗi lần thuê mướn bất kể số lượt người chơi, bất kể thời gian bao lâu giá chỉ… 10 ngàn đồng. Mặc dù lúc này đã hơn 9 giờ sáng, hình như bao nhiêu cái nóng ở bên trên mặt trời đã hắt xuống vùng biển này rồi nhưng tôi cũng thử chơi một lần xem như giúp đỡ em.
Ước mơ còn lại…
Khi ghé chân vào quán nước ở dưới đồi cát, tôi còn thấy có rất nhiều đứa trẻ khác. Có đứa nhỏ tuổi hơn Thư có đứa lớn hơn một vài tuổi nhưng tất cả đều… đen nhẻm. Thời tiết khắc nghiệt của một vùng đất nhiều gió cát đã nhuộm vàng màu tóc và nước da của những đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành nhưng sớm bước vào cuộc mưu sinh. Cu Tèo, một đứa trẻ đen nhất trong nhóm kể: “Nhà con ở ngoài ngã ba Hồng Chính, sáng nào cũng thức dậy lúc 6 giờ để đi bộ vào đây cho đến chiều mới về nhà”. Các em cho biết sáng sớm ngủ dậy phải “ních” một bụng khoai lang hoặc cơm nguội gì đó cho thật no, rồi trưa kiếm một ít bánh hoặc mua mì gói ăn đỡ đợi đến chiều trở về nhà. Chẳng biết tự bao giờ cái quán nước ở đây đã trở thành “đại bản doanh” của lũ trẻ. Chị chủ quán chỉ độ 30 tuổi rất dễ tính tuy không nuôi chúng nhưng cho nước uống, lên võng nằm nghỉ ngơi. Đổi lại khi bà chủ cần lũ trẻ cũng giúp được vài việc vặt như khiêng đồ, đập đá, rửa ly… Người bạn thân nhất của lũ trẻ ở đây là một chú khỉ tên Nuôi. Những chỗ khác trẻ em khi thấy khỉ thường chọc phá, còn nơi đây thì ngược lại cứ thấy có cu Tèo, cu Ân hoặc bé Thư, bé Nữ đến anh bạn Nuôi cứ tìm cách đùa giỡn, chọc ghẹo không hề biết mệt. Phải chăng vì thế mà những vất vả khổ cực mà các em đang phải chịu đựng giữa đồi cát khắc nghiệt này đã được xua tan một cách nhanh chóng.
Ngồi ở đây tôi bắt gặp nhiều nụ cười hồn nhiên và chân thật của lũ trẻ hơn. Dễ thương nhất là hai cô bé Nữ chị và Nữ em, chúng nó là hai chị em ruột chỉ cách nhau hơn một tuổi. Cũng giống như mấy bạn khác, hai chị em tên Nữ đều con nhà nghèo, cha mẹ làm thuê không đủ sống mùa hè tranh thủ vào Bàu Trắng kiếm tiền mua gạo. Mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng nhưng các em phải đổi lại bao cực nhọc và thiệt thòi của tuổi thơ trong ba tháng hè. Đến lúc này các em mới cho tôi biết mỗi lần khách thuê mướn các em chỉ được hưởng 5 ngàn đồng, một nửa còn lại phải cống nộp cho nhóm “đại ca” nài ngựa cách đó không xa. Nếu không nộp đủ thì những đứa trẻ “phận dưới” này sẽ bị chửi mắng và sau đó bị đuổi ra khỏi vùng đất làm ăn.
Một điều rất may mắn của những đứa trẻ nơi đây là dù nghèo khó nhưng vẫn được đến trường đi học. Có đứa đang học Trường THCS Hòa Thắng nhưng có đứa vẫn còn học ở Trường TH Hồng Chính trong xã. Ân và Tèo nói với tôi là có anh trai đã học xong lớp 9 nhưng đã bỏ học rồi không thể học lên lớp 10 vì trường huyện ở rất xa và phải đi làm để phụ giúp ba mẹ. Hỏi thăm những đứa khác, tôi biết anh chị của mấy đứa trẻ như Thư, Nữ, Ngân, Thơi trong nhóm “trượt cát” này đều chung số phận là phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh cuộc sống.
Chiều hôm đó chia tay với các em rồi nhưng tôi còn tự hỏi: liệu các em có giữ được mãi điều may mắn đó không? Hay là biết đâu vài năm nữa do cuộc sống khó khăn các em lại phải nghỉ học giữa chừng để tìm kế mưu sinh như thế hệ anh chị đã đi trước? Không lẽ ước mơ đến trường của những đứa trẻ trên vùng đất này chẳng bao giờ được trọn vẹn.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)