Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mùa lạnh: Bệnh hô hấp “tấn công” trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều trẻ bệnh hô hấp đang chờ nhập viện (ảnh chụp ngày 27-11 tại Bệnh viện Nhi đồng I)

BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng I cho biết, trời lạnh là điều kiện rất thuận lợi để các loại virus đường hô hấp phát triển và “tấn công” vào cơ thể trẻ em.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các dãy phòng Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng I, mỗi giường có đến 4-5 bệnh nhi, các bé phải nằm ngang vì quá tải. Còn ở các quầy nhận bệnh, các phòng chờ khám, phụ huynh đưa con đến khám cũng đông không kém.
Ồ ạt nhập viện
Chị Nguyễn Thị Kiều Nhi cùng chồng đi xe máy lúc 5 giờ sáng từ Khu công nghiệp Singapore (Bình Dương) đưa con trai mới hơn 1 tháng tuổi vào Bệnh viện Nhi đồng I khám bệnh. Đêm hôm trước, con chị bị sốt, khó thở khiến vợ chồng chị không dám chợp mắt. Vào tới bệnh viện, sau một hồi chen chúc, xếp hàng chờ đến lượt khám cũng đã hơn 9 giờ. Kết quả chẩn đoán con chị bị viêm phổi và phải nhập viện khiến chị Nhi ân hận: “Tôi sinh con đầu lòng, cha mẹ lại ở xa nên không biết cách chăm con. Tôi chỉ nghĩ lúc nào nóng thì cho con mặc đồ mỏng cho mát, ai dè lại để con bệnh thế này. Lẽ ra lúc này hai mẹ con còn nằm cữ, vậy mà bây giờ phải vào ở đây”.
Gần 11 giờ trưa rồi mà con chị Nhi vẫn chưa được nhập viện như chỉ định của BS. Anh Minh. Chồng chị Nhi ẵm con ngồi ở hàng ghế hành lang Khoa Hô hấp dỗ cho bé nín khóc. Còn chị Nhi cứ đi đi lại lại để hỏi y tá phòng nhập viện vì nóng ruột. Trong lúc vợ chồng chị Nhi đứng ngồi không yên thì anh Trung, ngụ quận Tân Phú đang vội vã thay tã cho con trên một chiếc băng ca trống để chờ nhập viện vì vợ anh vừa mới đi đóng tiền viện phí xong. Chỉ khoảng 20 phút sau, đứa con trai 5 tháng tuổi của anh đã được gọi  tên và được hướng dẫn vào khu dịch vụ như mong muốn. “Có được may mắn này là nhờ kinh nghiệm. Con tôi đã nằm ở đây 5 ngày, rồi đông quá phải nằm hành lang, xót con nên tôi đưa bé về Bệnh viện quận Tân Phú nằm 11 ngày. Sau đó xuất viện rồi bệnh sốt, ho bị tái lại nên tôi lại đưa con vào đây”, người cha 25 tuổi thuật lại.
Trưa ngày 27-11, trong khi nhiều người nườm nượp đưa con vào nhập viện thì vợ chồng anh Phạm Phú Khẩn (Đồng Nai) thở phào nhẹ nhõm vì con gái anh được xuất viện. Con gái 4 tuổi của anh nhập viện vì bị sốt, ho và ói dài ngày. Điều trị ở Bệnh viện Định Quán 10 ngày nhưng không bớt nên anh chuyển con vào Bệnh viện Nhi đồng I.  Ở bệnh viện 5 ngày, cả hai vợ chồng anh vất vả lắm. Phòng 308 nơi con gái anh nằm chỉ 8 giường mà có tới 30 bệnh nhi. Chật chội quá nên vợ chồng anh mua hai cái chiếu nhỏ dọn ra hành lang giữa lối đi để tá túc. Lối đi chật chội chỉ đủ trải cái chiếu bề ngang 6 tấc và chỉ còn đủ đường nhỏ xíu cho người y tá đẩy xe thuốc. Người người qua lại, chẳng ai trách vợ chồng anh Khẩn vì nhiều bệnh nhi khác cũng nằm la liệt gần đó. “Mình có khốn khổ mấy cũng chịu được, chỉ mong con khỏi bệnh thôi” – anh Khẩn bảo thế!
Đừng tạo cơ hội cho bệnh phát triển

Trẻ nhập viện điều trị các bệnh liên quan về hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM.
BS. Trần Anh Tuấn cho biết, khi thời tiết trở lạnh thì sức đề kháng và sự thích nghi của trẻ kém nên thường dễ mắc căn bệnh này. Bệnh hô hấp rất dễ nhận biết bởi các triệu chứng như ho, ho kèm theo sốt, sổ mũi hoặc là những triệu chứng khác. Theo BS. Tuấn, có 3 cách phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ em. Biện pháp thứ nhất là cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ sơ sinh, tùy theo mức độ lạnh mà cần có cách giữ ấm cho phù hợp. Chẳng hạn như mặc thêm áo ấm, vớ, găng tay, khăn quàng cổ, mũ len, cần tránh mưa và gió lùa. Một cách phòng bệnh nữa là tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người lớn hoặc những trẻ lớn khác đang mắc bệnh, cho dù chỉ là cảm ho thông thường. Và biện pháp phòng tránh thứ ba là rửa tay (rửa bằng xà phòng và rửa đúng cách). BS. Tuấn bảo rằng rửa tay được xem là loại vaccine trong ngoặc kép để phòng bệnh. Nó không chỉ tốt trong việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng, mà đây cũng là một chiến lược rất lợi hại giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp nói chung. Và đặc biệt, đây cũng là biện pháp hữu hiệu để giảm và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở trẻ em.
BS. Trần Anh Tuấn cho biết, đỉnh cao của bệnh hô hấp ở miền Nam thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, đây cũng là thời điểm xảy ra tình trạng quá tải trẻ bị bệnh này. Tháng 11 bệnh giảm rõ rệt so với các tháng trước, nhưng do trời trở lạnh hơn nên bệnh hô hấp có xu hướng sẽ nhích lên một chút. Còn ở các tỉnh Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Bắc, khi vào mùa lạnh thực sự thì bệnh hô hấp có xu hướng tăng cao.
Vào mùa lạnh, BS. Tuấn lưu ý bên cạnh bệnh hô hấp, còn có những bệnh phổ biến khác nữa là bệnh viêm tiểu phế quản và bệnh dị ứng đường hô hấp (phổ biến là viêm mũi xoang dị ứng, hen suyễn).
Trong đó, cần lưu ý là bệnh viêm tiểu phế quản. Loại virus này, đối với trẻ lớn hơn 2 tuổi và người lớn đều có thể bị nhiễm. Tuy nhiên, bệnh chỉ ở mức độ rất nhẹ giống như cảm ho thông thường, khiến cho đôi khi người ta không lưu ý và dễ bỏ qua. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi bị nhiễm virus này thì 90% trường hợp sẽ chuyển sang thể nặng và trẻ càng nhỏ tuổi thì mức độ càng nặng.
Hen suyễn cũng là bệnh cần lưu ý vì mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Vào mùa lạnh, những bệnh nhân hen suyễn thường hay lên cơn và thậm chí là lên cơn nặng. Mỗi lần bệnh nhân lên cơn cần phải cảnh giác. Người ta ví một lần lên cơn hen suyễn là một lần bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong. Bệnh suyễn là tình trạng viêm mãn tính đường thở. Khi lên cơn thì đường thở bị tắc nghẽn do hiện tượng co thắt phế quản. Phế quản bị viêm nên làm cho lòng phế quản bị phù nề lên, nó tiết dịch vô nên làm đường thở bị tắc nghẽn. Trong trường hợp này bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Bài, ảnh: Bích Vân
 
Bắp rang bơ không chứa hóa chất gây hen suyễn cho trẻ
Thời gian qua, có nhiều thông tin cho rằng bắp rang bơ có chứa hóa chất gây hen suyễn cho trẻ. Tuy nhiên, theo kết luận mới đây của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM thì hoàn toàn không đúng như thế. Theo đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã lấy ngẫu nhiên một số mẫu bắp rang bơ trên địa bàn Q.1, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp và kiểm nghiệm chỉ tiêu Diacetyl. Diacetyl là hóa chất tạo mùi thơm, có thể tác động lên phế quản gây hiện tượng co thắt phế quản, gây hen, dùng lâu dài chất này có thể ảnh hưởng đến phổi, thận và gây rối loạn chuyển hóa protein. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các mẫu đều âm tính với hóa chất Diacetyl. 
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)