Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mùa lạnh: Dễ bệnh hô hấp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bệnh nhân khám bệnh hô hấp tăng cao tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định khi thời tiết chuyển mùa
Năm 2013 được xem là đỉnh điểm nhiệt độ xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây tại TP.HCM. Thời tiết chuyển mùa, trời se lạnh là môi trường tốt nhất để một số bệnh phát sinh ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe con người, nhất là nhóm bệnh về hô hấp.
Bệnh về đường hô hấp có rất nhiều loại như: Viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng… Triệu chứng nhẹ thì sổ mũi, nghẹt mũi, ho, còn nặng thì đau họng, rát họng, nuốt đau rất khó chịu và sốt cao. Nếu bị viêm amidan cấp, viêm mũi cấp thì phải đi khám và chữa trị kịp thời. Trẻ em, người già là những đối tượng dễ nhạy cảm nhất với các căn bệnh đường hô hấp khi khí trời ẩm ướt và se lạnh.
Vừa thi xong học kỳ 1, em Nguyễn Quân B. (học sinh lớp 6 Trường THCS Ngô Chí Quốc, Q.Thủ Đức, TP.HCM) phải nghỉ học 2 ngày vì bị viêm họng. Không chỉ ho liên tục mà B. còn có triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ. Mỗi sáng B. thức dậy luôn được người mẹ kế nhắc nhở quấn khăn quàng cổ, xức dầu và mặc thêm áo ấm. Trước đây vào khoảng 7 giờ sáng chị Phạm Thị Dung (ngụ ở Mỹ Tho, Tiền Giang) thường ẵm bé Messi 23 tháng tuổi ra sân tắm nắng, nhưng cả tuần nay trời se lạnh chị vú nuôi chỉ ôm cậu bé trong nhà vì cu cậu đang bị viêm phế quản.
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng đang bị thời tiết chuyển mùa “làm khó dễ”. Tại công viên bờ kè Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, dù trời lạnh nhưng buổi sáng sớm vẫn có nhiều cụ đi tập thể dục và dưỡng sinh. Nếu như trước đây, họ chỉ mặc áo may  ô, quần soóc thì cả tuần nay ai cũng mặc thêm chiếc quần dài và cả áo gió, áo len trên người. Không chỉ quàng thêm chiếc khăn len trên cổ mà ông Lê Công Phú nhà ở đường Tầm Vu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM còn ngậm nước muối trong miệng để đi tập thể dục. Bệnh viêm họng và sưng amidan đang có cơ hội “tấn công” người  tuổi cao sức yếu khi mùa lạnh đến. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có tiền sử bệnh mãn tính như thấp khớp, đột quỵ, cao huyết áp dễ tái phát.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh – Hiệu trưởng Trường TH Tô Vĩnh Diện, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Hơn một tuần nay, thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp nên không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng dễ bị cảm lạnh và tái phát các bệnh về hô hấp. Nếu không biết phòng tránh thì mọi người sẽ dễ bị mắc bệnh thêm. Chính vì vậy trong các giờ nghỉ trưa của lớp bán trú, các bảo mẫu phải đắp thêm mền cho học sinh đủ ấm. Một số phòng học trước đây sử dụng máy lạnh thì nay ngưng lại”. Trao đổi với cán bộ y tế Trường THCS Lê Quý Đôn, THCS Phan Sào Nam (Q.3) chúng tôi được biết số lượng học sinh bị viêm họng và viêm mũi tăng. Tuy nhiên, không ảnh hưởng nhiều đến sĩ số và chất lượng học tập.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Cẩn trọng vì bệnh dễ tái phát
Về căn bệnh này, BS.TS Trần Việt Hồng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết, những ngày cuối năm, lượng bệnh nhân Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện có chiều hướng tăng do thời tiết thay đổi. Đối tượng chủ yếu là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai do sức đề kháng yếu hơn. Ngoài ra, những người mắc bệnh mãn tính và có tiền sử về các loại bệnh hô hấp cũng dễ bị tái phát hơn.
PV: Như đã nói ở trên ngoài nguyên nhân do thời tiết còn có lý do nào khác nữa không thưa BS?
Trước hết là do trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp, nói chung là khi thời tiết thay đổi bất thường.
Về mùa lạnh có những bệnh nhân ngủ dậy đôi khi trong nước bọt có máu pha lẫn. Vậy đâu là nguyên nhân?
Khi niêm mạc đường thở bị nứt do thời tiết hanh khô thì dễ có hiện tượng chảy máu trong đêm khi ngủ nên sáng sớm thường có máu trong nước bọt. Đây là triệu chứng rõ rệt của bệnh viêm xoang, viêm họng cần đi khám và chữa trị ngay. Nếu một hai ngày hết thì không sao còn hiện tượng đó kéo dài thì không được chủ quan vì có thể là triệu chứng ban đầu của ung thư vòm rất nguy hiểm.
Cách phòng tránh các căn bệnh về đường hô hấp như thế nào, thưa BS?
Trời lạnh nên hạn chế dậy sớm và khi thức dậy phải mặc áo đủ ấm. Không nên dùng máy lạnh như mùa hè ở phòng ngủ và phòng làm việc.
Xin BS cho biết cụ thể hơn về cách điều trị đối với các bệnh mùa lạnh?
Khi bị viêm họng, viêm mũi bệnh nhân sẽ được các BS chỉ định uống thuốc điều trị nội khoa như thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng. Nếu nặng thì cho nhập viện điều trị nội trú. Đối với trẻ em nếu nặng thì chuyển sang khoa nhi.
BS có nhắc tới thuốc chống dị ứng vậy đây là loại thuốc để chữa căn bệnh gì?
Về mùa lạnh đường hô hấp như miệng mũi rất dễ bị dị ứng do các vật nhỏ như phấn hoa, lông thú, bụi bặm hít vào khi con người phải làm việc, đi lại và ra đường nhiều hơn trong dịp cuối năm.
Cách hạn chế dị ứng như thế nào, thưa BS?
Dị ứng xảy ra theo mùa, nhất là mùa phấn hoa hay mùa lạnh như hiện nay. Trước hết phòng ở phải thông thoáng, hạn chế máy lạnh để lưu thông không khí. Thường xuyên giặt sạch giường chiếu để tránh bọ. Tránh xa các vật nuôi có nhiều lông như chó, mèo, phấn hoa, phân bón gây ô nhiễm đường hô hấp. Đặc biệt là giữ ấm cơ thể, nhất là trẻ em và người gia khi thời tiết giao mùa thay đổi đột ngột.
Xin cảm ơn BS!
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)