Việc cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể trong mùa nóng là tất yếu, nhưng vào mùa lạnh, đặc biệt trong mùa rét đậm ở miền Bắc nước ta, nhiều người thường không xem trọng. Điều này có đúng không?
Hằng ngày mọi người cần uống khoảng 2 lít nước để bù vào lượng nước được bài tiết ra khỏi cơ thể (qua nước tiểu, mồ hôi, hơi thở…).
Không nên hạn chế uống nước
Trước nay, không ít người cho rằng nước trong cơ thể chỉ đóng vai trò giúp điều hòa thân nhiệt, tức là giúp tạo mồ hôi, thải nhiệt và làm mát da khi trời nóng, vì vậy vào mùa đông trời rét, cơ thể không đổ mồ hôi nên không cần uống nước.
Thật ra dù trời lạnh vẫn cần uống nước đầy đủ (tất nhiên lượng nước có thể giảm so với khi trời nóng bức) để bảo đảm cơ thể hoàn thành tốt các chức năng sinh lý.
Nếu bổ sung vitamin C bằng viên sủi, chỉ nên dùng nhiều nhất một viên hàm lượng 1 gam mỗi ngày (ảnh minh họa) – Ảnh: T.T.D.
Nếu nước không được cung cấp đủ, có thể sẽ dẫn đến một số rối loạn trong cơ thể, đặc biệt nếu uống nước quá ít dễ có nguy cơ bị sỏi niệu, táo bón (từ táo bón dễ dẫn đến bệnh trĩ). Riêng đối với phụ nữ càng cần uống đủ nước, tránh táo bón, giúp da dẻ mịn màng, tươi đẹp, nhất là mùa rét da hay bị khô
Cơ thể chúng ta phải được cung cấp đủ với tỉ lệ cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng, gồm: chất đạm, chất đường, bột, chất béo, vitamin và chất khoáng.
Đồng thời mọi người cần uống đủ nước vì nước chiếm 75% trọng lượng cơ thể, giữ nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động sinh lý và thường xuyên được bài tiết.
|
Người cao tuổi cũng thường ít uống nước do quá trình lão hóa dễ mất cảm giác khát nước hoặc có tâm lý ngại uống nước (do có vấn đề về tuyến tiền liệt làm đi tiểu thường xuyên, lắt nhắt nên nhiều người tìm cách nhịn uống nước). Người trong gia đình cần có cách giúp các cụ uống đủ nước, như đong nước vào chai có thể tích đúng theo yêu cầu và khuyến khích các cụ uống hết trong ngày…
Ngoài ra, nên đa dạng hóa các loại nước uống như dùng nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước trà, nước trái cây (nước chanh, nước cam…) để tạo sự ngon miệng và duy trì đủ lượng nước cần thiết.
Bổ sung vitamin hợp lý
Do cơ thể chúng ta không tổng hợp được vitamin, vì vậy cần cung cấp vitamin thông qua thức ăn, đồ uống. Trên lý thuyết, nếu mọi người ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất thì không sợ thiếu vitamin.
Tuy nhiên, có thể do việc bảo quản và chế biến thức ăn không đủ tốt (như nấu chín các loại rau cải sẽ mất vitamin C) hoặc do sự hấp thu ở đường tiêu hóa kém nên dù ăn uống đầy đủ cơ thể vẫn có thể thiếu vitamin.
Đặc biệt, với một số đối tượng thiếu vitamin như: người ăn kiêng, người mới qua cơn bạo bệnh, bệnh nhân lao phổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người hút thuốc… càng cần dùng thuốc bổ sung vitamin.
Riêng đối với người ở miền Bắc nước ta, vào mùa đông trời rét, ngoài việc ngại uống nước còn ít ăn rau quả tươi nên thường dẫn đến thiếu vitamin C. Lâu nay vitamin C được thừa nhận rất cần thiết cho sự tạo thành collagen, chỉnh sửa mô trong cơ thể và tham gia nhiều phản ứng chuyển hóa. Đặc biệt, vitamin C có vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch, giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng.
Do đó, trong mùa rét chúng ta rất cần vitamin C và quan điểm hạn chế ăn rau quả tươi, quả chua vì “lạnh bụng” là không đúng. Hiện nay, nhiều người thích bổ sung vitamin C dưới dạng viên sủi. Xin lưu ý là khi uống cần hòa tan viên sủi vào nước để trở thành dạng thuốc lỏng, vừa giúp thuốc hấp thu nhanh vừa bổ sung một lượng nước cho cơ thể.
Tuy nhiên, nên dùng nhiều nhất một viên sủi hàm lượng 1 gam vitamin C mỗi ngày, không nên dùng quá nhiều viên (dùng dài ngày có thể bị tiêu chảy, sỏi thận…).
Đối với người kiêng muối (như người bệnh cao huyết áp được khuyên không nên ăn mặn), phải xem xét lượng natri trong viên sủi có thích hợp hay không (có khi phải tránh dùng dạng thuốc sủi bọt).
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)