Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mưa lớn thất thường, nông dân khốn đốn

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, nhiều địa phương ở khu vực các tỉnh ĐBSCL xuất hiện mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng khiến hoa màu hư hại nặng.

Mưa lớn thất thường, nông dân khốn đốn

Ruộng bí đao vàng úa của ông Nguyễn Văn Ánh.

Trắng tay sau những cơn mưa

Đang vào mùa thu hoạch nhưng gần một tháng nay các ruộng bí đao ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ bị ngập úng do mưa to kéo dài. Dọc hai bên đường vào khu vực này, những ruộng bí đao chìm ngập trong nước, lá vàng úa, những trái bí sắp thu hoạch bị úng, thối nằm la liệt trên mặt ruộng.

Ông Nguyễn Văn Ánh (50 tuổi) chỉ vào những trái bí thối, giọng buồn rười rượi: “Tôi có 4 công bí, thời gian trồng đến khi thu hoạch là 50 ngày, không ngờ vụ này trúng ngay đợt mưa làm ngập ruộng, bí to chuẩn bị cắt bán thối hết. Giờ bí bán không được, phải bỏ thối ngoài ruộng hoặc cho người ta làm thức ăn nuôi heo. Vụ này tôi lỗ nặng”. Ông Ánh cũng cho biết ông vừa bán 70kg bí mót được dưới ruộng chỉ được 105 ngàn đồng.

Theo ông Ánh, 4 công đất trồng bí của ông năm trước thu hoạch khoảng 5 – 6 tấn, nhưng năm nay thì chưa đến 3 tấn. Năm 2016, giá bí lên đến 6 ngàn/kg, mỗi trái có trọng lượng từ 1 kg trở lên, do đó người dân phải giăng mùng ngủ ngay tại ruộng để canh. Nhưng năm nay thì ngược lại, bí mất giá thê thảm, thương lái thu mua tại ruộng chỉ 1,5 ngàn/kg, dự đoán sắp tới còn có chiều hướng giảm tiếp tục.

Từ thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bà Phạm Thị Sâm (53 tuổi) đến phường Ba Láng thuê đất trồng bí. Bao công sức, vốn liếng bỏ ra giờ mất trắng vì ruộng ngập úng, bí bị hư, giá lại rẻ. “Tôi thuê 3 công đất để sản xuất. Hết mùa lúa, tôi chuyển qua trồng bí ngay trên mặt ruộng. Trước đó ai cũng nói ruộng bí của tôi năm nay cắt sẽ từ 1 tấn trở lên mà bây giờ mỗi ngày cắt bán chưa tới 100kg. Tiền vốn bỏ vô vụ bí này đã trên 20 triệu, mà ra ruộng nhìn bí thối muốn rớt nước mắt” – Bà Sâm buồn rầu nói.

Theo bà Sâm, gần 20 ngày nay, vợ chồng bà ngày nào cũng bơm nước từ ruộng ra để cứu vớt bí nhưng vẫn không hiệu quả. “Tiền mua xăng để bơm nước mỗi ngày tới 300 ngàn, mà hiện nay ruộng bí của tôi đã úa gần hết. Mấy đêm mưa to, chồng tôi phải ra ruộng dầm mưa đào mương thoát nước nhưng không ăn thua gì” – bà Sâm kể.

Theo thương lái Trần Văn Bé, bí mùa này rẻ là do người dân trồng quá nhiều. Vì giá rẻ, không ai chăm sóc kĩ nên trái nhỏ. Thêm nữa, thị trường chủ yếu là TP. HCM nhưng hiện nay đã dội chợ. “Tôi mua 10 kg bí với giá 15 ngàn nhưng bán lại chỉ lời được mỗi kí 1 ngàn đồng là đã cao”- ông Bé nói.

Ông Hồ Phú Hào–Chủ tịch Hội nông dân phường Ba Láng cho biết, tổng diện tích hoa màu của địa phương là 12 ha, trong đó có 7 ha trồng bí đao. Hiện còn lại 2,5 ha đang trong giai đoạn thu hoạch và 0,5 ha đang ra trái thì gặp mưa khiến bí bị ngập úng nên hư hại gần hết.

Khí hậu biến đổi, mưa thất thường

Gần 10 năm sống bằng nghề trồng rẫy, lần đầu tiên bà Lê Thị Mỹ (53 tuổi, ngụ TT. Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) rơi vào tình trạng khốn đối vì thời tiết biến đổi, mưa lớn thất thường. “Chưa thấy năm nào mưa sớm và nhiều như năm nay. Một công bầu của tôi đang thu hoạch bị “chạy dây” (dây bị vàng, úng – PV) hết, trái thì nổi mủ sần như mặt bị mụn nên bị thương lái chê. Từ hồi mưa ngập tới giờ tôi đã nhổ gần cả trăm dây bầu”- bà Mỹ than thở.

Cũng bị ảnh hưởng do mưa, 50 ha trồng khóm (dứa) của ông Dương Văn Dũng (42 tuổi, ngụ huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) đang có nguy cơ hư hỏng vì bị ngập nước mưa. Ông Dũng nói với vẻ mặt đầy lo lắng: “Năm trước thì hạn hán, năm nay thì mưa nhiều nên ruộng khóm bị ngập nước không thoát ra được khiến trái chậm phát triển, một số thì bị úng. Nếu tình trạng mưa cứ kéo dai như hiện nay, tôi e vụ khóm năm nay sẽ lỗ”.  

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Cần Thơ cho biết, những ngày vừa qua xuất hiện những cơn mưa đầu mùa với lượng mưa tương đối lớn và khá hiếm gặp trong thời kì đầu mùa mưa khoảng 10 năm trở lại đây. Điều này cũng là dấu hiệu của sự biến đổi thời tiết bất thường. Trong khi năm ngoái, ở Nam bộ hạn hán và hầu như không mưa trái mùa từ tháng 1 đến tháng 4, còn năm nay thì mưa lại nhiều. Điều đó đã gây ảnh hưởng khá nhiều đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Kim Hà (TPO)

 

Bình luận (0)