Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Mưa lũ cô lập nhiều địa phương phía bắc

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều địa phương phía bắc thiệt hại nặng do ảnh hưởng của mưa lớn và các hiện tượng thiên tai lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.

Cho đến 13 giờ 30 ngày 14.8 giao thông trên tuyến Quốc lộ 6 đã tạm thời thông tuyến do trước đó bị cô lập, ách tắc do sạt lở đất  /// Ảnh: Dương Minh
Cho đến 13 giờ 30 ngày 14.8 giao thông trên tuyến Quốc lộ 6 đã tạm thời thông tuyến do trước đó bị cô lập, ách tắc do sạt lở đất Ảnh: Dương Minh

Do ảnh hưởng của vùng thấp gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ, trong ngày 14.8 nhiều địa phương đã ghi nhận có thiệt hại nặng do ảnh hưởng của mưa lớn và các hiện tượng thiên tai lũ quét, lũ ống và sạt lở đất gây ra.
Mưa lũ cô lập nhiều địa phương phía bắc - ảnh 1

Vết nứt trên QL217, đoạn qua xã Mường Mìn (H.Quan Sơn, Thanh Hóa) ẢNH: HẢI TẦN

Ông Trần Kim Phàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình, cho biết mưa lớn trong đêm 13 và ngày 14.8 đã làm ngập úng trên 200 ha lúa, hoa màu và 28 hộ dân bị nước lũ tràn vào nhà cuốn trôi tài sản, bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Trong sáng 14.8, toàn tỉnh có 7 xã bị nước lũ cô lập do ngập úng và lũ lụt. Mưa lũ gây sạt lở đất ở nhiều điểm trên QL6 tại địa bàn xã Đồng Bảng, H.Mai Châu với khối lượng đất đá ước tính hàng chục nghìn mét khối. Sở GTVT Hòa Bình huy động tối đa phương tiện san sạt đất đá, đến đầu giờ chiều mới cơ bản thông tuyến trở lại nhưng các phương tiện còn gặp nhiều khó khăn khi di chuyển qua những điểm sạt lở. Khoảng 15 giờ ngày 14.8, tại đập Hùng Sơn, TT.Lương Sơn (H.Lương Sơn) đã có 2 công nhân bị nước lũ cuốn mất tích, đến cuối giờ chiều cùng ngày chưa tìm thấy.
Mưa lũ cô lập nhiều địa phương phía bắc - ảnh 2

Nhiều bản trên địa bàn H.Mường Lát (Thanh Hóa) bị cô lập do mưa lũ ẢNH: HẢI TẦN

Tại xã Phúc Sạn (H.Mai Châu), xóm So Lo là điểm ngập sâu nhất. Dòng nước chảy xiết đã cuốn trôi toàn bộ tài sản, hoa màu của 20 gia đình trong xóm. Ngoài ra, cầu treo dẫn vào xóm bị nước lũ quét đi toàn bộ gỗ lát sàn, chỉ còn trơ lại khung sắt biến dạng, hư hỏng nặng không thể sử dụng. Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn, ông Đinh Công Hanh, xóm So Lo có chỗ ngập sâu gần 2 m. May mắn, người dân đã sơ tán kịp thời nên không có thiệt hại về người.
Trong khi đó tại Yên Bái, mưa lớn đã gây ra vụ sạt lở đất tại xã Bình Thuận, H.Văn Chấn, làm sập 1 ngôi nhà và 3 người bị thương. Nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện bị sạt lở, hư hỏng; gần 10 ha lúa, hoa màu ở các H.Văn Chấn và Trạm Tấu.
Mưa lũ cô lập nhiều địa phương phía bắc - ảnh 3

Cầu treo dân sinh tại xã Phúc Sạn bị nước lũ vặn gãy, hư hỏng nặng Ảnh: Dương Minh

Tại địa bàn huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), mưa, lũ đã khiến 1 bé trai ở bản Trung Thắng (Mường Lý) mất tích; 7 ngôi nhà ở các xã Mường Lý, Tam Chung và Trung Sơn sập hoàn toàn; 19 ngôi nhà khác bị sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào; 47 ao cá, 42 ha lúa nước bị thiệt hại.
Theo ghi nhận của PV, nước lũ từ trên thượng nguồn sối Pom chảy xiết, cuốn trôi cầu tạm qua tràn Pom trên con đường độc đạo dẫn vào bản Pom Khuông (xã Tam Chung) khiến bản này bị cô lập hoàn toàn. Tại khu vực bản Táo (xã Trung Lý) và bản Piềng (xã Mường Lý, hàng ngàn mét khối đất đá trên các ta luy dương bị lũ cuốn tràn xuống QL15C nối H.Quan Hóa với H.Mường Lát, khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn, hàng chục xe khách, xe tải phải nằm trên đường. Xã Mường Lý và nhiều bản ở các xã Trung Sơn, Nhi Sơn, Tam Chung, Tén Tằn… bị cô lập với trung tâm huyện.
Tại huyện vùng cao Quan Sơn, mưa lớn cũng khiến tuyến QL217, đoạn qua bản Mìn (xã Mường Mìn), bị hư hỏng nghiêm trọng. Nơi đây xuất hiện một vết nứt lớn, dài gần 200 m, sâu 1,8 – 2 m và có nguy cơ sạt lở xuống sông Lò bất cứ lúc nào. Vết nứt đã gây lún nứt tường và nền 3 ngôi nhà của người dân.
Mưa lớn đến 18.8
Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư dự báo đợt mưa lớn còn kéo dài đến hết ngày 18.8. Mưa lớn khiến các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi phía tây các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa nằm trong diện cảnh báo nguy cơ cao xảy ra các hiện tượng thiên tai như lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Ngoài ra, khu vực đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ vẫn còn khả năng xảy ra ngập úng cục bộ, lũ lụt.

Hoàng Phan – Ngọc Minh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)