Sự kiện giáo dụcTin tức

Mưa lũ lớn ở phía Bắc: 25 người chết và mất tích

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương (PCLB TƯ) đến sáng nay (27-9), mưa lũ đã làm 21 người chết,  4 người mất tích và 27 người bị thương.

Về người chết Sơn La có 10 người, Bắc Giang 5 người, Lạng Sơn 4 người, Quảng Ninh 1 người ,Vĩnh Phúc 1  người. Số người mất tích là 4 người đều ở Sơn La. Số người bị thương gồm: Bắc Giang: 7 người, Sơn La 15 người, Lạng Sơn 5 người.

 Mưa lớn gây ngập lụt tại xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: V.H

Số nhà cửa bị đổ và cuốn trôi là 466. Trong đó, Bắc Giang 135 nhà, Sơn La 292 nhà, Quảng Ninh 15 nhà, Lạng Sơn 18 nhà, Bắc Cạn 6 nhà. Số nhà  bị ngập, hư hại, tốc mái gồm 1.930  nhà, Bắc Giang 242 nhà, Quảng Ninh 800 nhà, Lạng Sơn 133 nhà, Sơn La 753 nhà, Cao Bằng 2 nhà.

Tại các tỉnh bị mưa lũ có 97.723 ha lúa hoa màu bị úng ngập, trong đó bị nặng nhất là Sơn La với 83.658 ha. Về giao thông có nhiều tuyến đường bị sạt lở, ách tắc với khối lượng  189.810m3. 17 công trình thủy lợi nhỏ bị hư hại..

Ngoài lực lượng của các địa phương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã huy động 5.276 chiến sỹ, 6 xe lội nước, 50 phương tiện các loại khác, 22 xuồng cao tốc để tham gia ứng cứu cho các địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT cử 3 đoàn công tác xuống các tỉnh Bắc Giang,Lạng Sơn và Sơn La để  phối hợp với  địa phương chỉ đạo công tác đối phó với lũ, lụt.

Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo PCLB TƯ vào sáng nay (27-9), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đề nghị Ban chỉ đạo PCLB TƯ, các địa phương phải có chỉ đạo sát hơn nữa để đảm bảo an toàn về người vì vừa qua công tác dự báo và chỉ đạo ứng phó với lũ bão là tương đối tốt nhưng để 21 người chết và 4 người mất tích vẫn là thiệt hại cao. Theo dự báo, sắp tới tiếp tục có mưa, không những ở khu vực Bắc Bộ mà còn ở miền Trung.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo PCLB TƯ nắm chắc tình hình, khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua. Bộ Quốc phòng phải tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn để giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả ở những vùng còn bị chia cắt. Bộ Y tế nắm chắc tình hình ở các tỉnh để cung cấp đầy đủ thuốc men và các phương tiện cứu chữa những người bị thương. Bộ Giao thông vận tải tập trung lực lượng để thông xe, đảm bảo việc cứu hộ, cứu trợ kịp thời.  Bộ Thông tin Truyền thông tập trung khôi phục những khu vực bị mất liên lạc, về lâu dài, phải tính đến việc đảm bảo bền vững hơn đối với những vùng thường bị thiên tai…

* Theo thông báo lũ của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn vào lúc 9h sáng nay (27-9), lũ trên hệ thống sông Thái Bình đang lên. Mực nước lúc 7h sáng hôm nay tại Lục Nam (Bắc Giang) là 7,80m, trên mức báo động 3 là 2,0m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 6,22m, trên báo động 3 là 0,42m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 4,98m và hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,55m, đều trên mức báo động 2. Lũ trên hệ thống sông Thái Bình tiếp tục lên.

Trưa, chiều nay, mực nước tại Lục Nam sẽ đạt đỉnh ở mức 8,0m, trên mức báo động 3 là 2,2m, tương đương lũ lịch sử (8,04m) tháng 7-1986. Chiều tối nay, lũ trên các sông Thương và Cầu sẽ đạt đỉnh, mực nước tại Phủ Lạng Thương là 6,6m, trên báo động 3 là 0,8m; tại Đáp Cầu là 5,8m, ở mức báo động 3. Dự báo sáng mai (28-9), mực nước hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại sẽ lên 5,5m, ở mức báo động 3.

Quảng Ninh: tan hoang sau lũ

Từ đêm 25 rạng sáng 26-9 đến ngày 27-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy mưa to và rất to gây ngập lụt, cô lập hoàn toàn ba huyện miền núi Tiên Yên, Ba Chẽ và Bình Liêu. Mưa lũ cũng đã làm tuyến đường từ Hạ Long đi Móng Cái bị sạt lở tại nhiều điểm như Ba Chẽ, Tiên Yên gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền.

 Đường phố thị trấn Tiên Yên ( huyện Tiên Yên) ngập nước do ảnh hưởng lũ

Tâm sự với ánh mắt thầt thần, bà Nguyễn Thị Mùi, chủ hiệu tạp hóa bên cầu Khe Tiên ( thị trấn Tiên Yên) cho biết, mưa lũ bất thần ập đến lúc 5 giờ sáng ngày 26-9. Ban đầu gia đình cũng tưởng tiếng xe ô tô ầm ì vì ở cạnh đường nhưng khi mở cửa ra thì mới tá hỏa, nước từ các khe núi đổ về dữ dội, cuốn phăng hàng rào chắn bên đường. Vợ chồng bà lập tức kêu gọi các con trở dậy sơ tán đồ đạc lên tầng hai. Nhiều người dân của thị trấn Tiên Yên cũng bị bất ngờ vì lũ ập đến quá nhanh. 

Ông Bùi Thanh Tuấn, trưởng khu Khe Tiên cho hay vào thời điểm lúc 5 giờ sáng, ông đã vội chạy đi báo bà con cùng khu. Nhà anh Trần Văn Thắng trong khu vừa chạy ra khỏi nhà thì căn nhà bỗng nhiên đổ sập hoàn toàn do nước lũ. Khu  phố đã kịp huy động được bốn chiếc thuyền nan để sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm. Ông Tuấn cho hay ước tính khoảng 80/152 hộ dân bị ngập hoàn toàn, không kịp thời sơ tán được của cải cũng như vật dụng thường ngày. Theo ông Tuấn, đây là trận lũ khủng khiếp thứ hai mà ông được chứng kiến sau trận lũ lịch sử năm 1968 khiến cả khu phố này bị ngập lụt.

Thị trấn Tiên Yên ( huyệnTiên Yên- Quảng Ninh) chìm trong biển nước

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hải, phó chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ thì “đây là trận lũ khủng khiếp và bất ngờ”. Nước lũ đã tràn vào thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) và tràn vào hầu hết các nhà dân; trường nội trú xã Nam Sơn cũng bị ngập tầng 1, nhà trường đang cho di chuyển các cháu học sinh lên tầng hai. Ông Hải cho hay, đến thời điểm 14 giờ chiều hôm qua, liên lạc thông tin đến các xã của huyện hoàn toàn bị cắt đứt, nhiều hộ dân ở vùng trũng của thị trấn đã ngập trong nước. Người dân chỉ kịp chạy ra khỏi nhà mà không kịp cầm theo tài sản, lương thực. UBND huyện đã họp khẩn cấp và điều động cán bộ mặc áo phao, đi thuyền mang mỳ tôm đến trợ giúp bà con. Bà Nguyễn Thị Nga, 60 tuổi, ngụ tại khu phố 2 thị trấn Ba Chẽ rớm nước mắt than thở: “Lũ ập đến nhanh quá, nhà tôi chỉ kịp chạy lấy người, chẳng mang được đồ ăn, thức uống gì theo, chúng tôi sống làm sao đây”.

Xe ô- tô bị lũ cuốn trên quốc lộ 18A đoạn Tiên Yên- Móng Cái

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ thường trú tại Quảng Ninh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, trưởng ban phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cho biết: hiện tại chỉ có huyện Bình Liêu vẫn bị cô lập hoàn toàn vì mưa lũ. Ước tính có 600 ha lúa đang chín bị ngập nước, nhiều tài sản của bà con vẫn bị ngập chìm trong nước chưa thể thống kê được thiệt hại. Theo ông Đọc, cũng trong tối qua, số hàng mỳ gói trị giá 400 triệu đồng đã được lực lượng cứu hộ đưa đến tận tay những gia đình bị ngập lụt của hai huyện Ba Chẽ và Tiên Yên. Cũng trong tối qua, nhiều gia đình ở những nơi cao ráo ở thị trấn Tiên Yên không bị mưa lũ tràn vào đã nấu cháo, cho những gia đình bị ngập nước không có nơi trú ngụ mượn quần áo ấm.

Lạng Sơn: 90% diện tích thành phố Lạng Sơn chìm trong nước lũ

Theo TTXVN, mặc dù mưa đã ngớt nhưng đến 2h sáng ngày 27-9-2008, sông Kỳ Cùng đã dâng lên cao độ 257,79m, trên báo động cấp 3 làm cho 90% diện tích TP Lạng Sơn đã chìm ngập trong nước lũ. Trung bình mức nước trong thành phố cao từ 2 đến 3 mét, nhiều nơi ngập trên 4 mét. Do dòng sông Kỳ Cùng chảy xiết đã tạo thành các dòng nước xoáy, chia cắt TP Lạng Sơn thành nhiều khu vực. Hầu hết các cơ quan hành chính của tỉnh Lạng Sơn đóng tại Phường Chi Lăng cũng đã bị nước bao vây ngập sâu từ 1 đến 2 mét.

Mưa to gây ngập lụt lớn tại P.Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: Đông Bắc

Trước đó, 10 giờ ngày 26-9, đã có 80% khu vực dân cư và cơ quan trong thành phố Lạng Sơn đã phải cắt điện để đảm bảo an toàn.

Chạy dọc con sông Kỳ Cùng có 5 huyện và TP thì huyện Đình Lập là thượng lưu của sông Kỳ Cùng đã mất liên lạc từ ngày 26-9. Các huyện còn lại chỉ thông tin bằng điện thoại di động. Cũng từ ngày 26-9, các huyện có sông Kỳ Cùng chảy qua đề đã bị tê liệt giao thông do nước sông dâng cao.

 Mưa to gây ngập lụt  tại xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: V.H

Thiệt hại về tài sản là rất lớn bởi số lượng gia đình đang sinh sống dọc sông Kỳ Cùng và hàng trăm nghìn ha lúa và hoa mầu đều gieo trồng ở hai bên bờ sông đã bị ngập hoặc cuốn trôi theo nước lũ.

Lúc 6g, ngày 27-9, mực mước sông Kỳ Cùng không còn tăng. Tuy nhiên, nước ngập sẽ còn kéo dài. UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang, cơ quan chức năng và các địa phương nỗ lực chống lũ, khắc phục hậu quả do lũ gây ra. Đặc biệt đối với khu vực đang bị lũ chia cắt như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Dân tộc Nội trú huyện Cao Lộc, phường Đông Kinh không để cho dân bị dói rét.

TTXVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)