Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mưa lũ miền Trung: Nhấn chìm nhiều làng mạc

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà cửa người dân Hải Tân (Hải Lăng) chìm sâu trong nước. Ảnh: Vĩnh Yên

Liên tục từ ngày 1 đến 5-10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, nước lũ trên các sông dâng cao, nhấn chìm nhiều làng mạc, đường xá, cầu cống, vườn tược… Sáng qua 5-10, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Trung ương chi viện khẩn cấp trực thăng, tàu cứu hộ hàng chục nghìn dân bị cô lập trong trận lũ vượt mức lịch sử năm 2003 và 1992.

Quảng Bình: Sáng 5-10, mưa lũ tại Quảng Bình tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp với lượng mưa phổ biến hơn 810mm, cá biệt tại Minh Hóa lượng mưa đo được hơn 1.100mm đã khiến lũ tiếp tục lên nhanh vượt mức báo động 3.

Quảng Bình có 7 huyện, thị thì 6 huyện đã bị lũ dâng ngập, hơn 500.000 người dân bị lũ bủa vây. Trong khi đó, những cơn mưa kéo dài vẫn dội xuống các làng mạc và nước lũ vẫn tiếp tục tràn về.
Quốc lộ 1A đã ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m, kéo dài hàng cây số từ Quảng Ninh đến Lệ Thủy, giao thông đi lại hoàn toàn bị ách tắc. Tám tàu bị lũ cuốn trôi ra biển cùng với 43 ngư dân vẫn chưa được ứng cứu do mưa to, sóng lớn. Ban Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã phải yêu cầu Ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn Trung ương hỗ trợ.
Tại huyện Lệ Thủy, công an huyện đã cứu sống bốn công nhân thi công đập Thượng Mỹ Trung bị lũ cuốn trôi. Tại huyện Quảng Ninh, tái diễn tình trạng lũ lịch sử năm 1992 khiến hàng chục ngàn người phải lên sống tạm trên mái nhà.
Huyện Tuyên Hóa cho biết, nhiều xã đã bị lũ cắt đứt mọi liên lạc thông tin. Đặc biệt xã Thanh Hóa đã bị cô lập hoàn toàn, mọi nỗ lực liên lạc đều bị vô hiệu do lũ quá dữ.
Đến thời điểm này, Quảng Bình đã có bốn người chết, ba người mất tích, số nhà bị lũ ngập lên đến hàng chục ngàn căn.

Hà Tĩnh: Đến 11 giờ 5-10, theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy PCBL tỉnh Hà Tĩnh, đã có 32 xã, thuộc 4 huyện, gồm 17/22 xã thuộc huyện miền núi Hương Khê, 9/12 xã thuộc huyện Vũ Quang, 4 xã thuộc huyện Đức Thọ và 2 xã thuộc huyện Hương Sơn bị ngập và bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Tất cả các tuyến đường (Tỉnh lộ 5, QL 15A…) lên huyện Hương Khê, Vũ Quang đều bị ngập sâu, nhiều nơi ngập từ 1m đến 1,8m khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Hiện các huyện này chỉ có thể liên lạc với bên ngoài bằng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Cho đến thời điểm này, theo đánh giá của Ban chỉ huy PCBL tỉnh Hà Tĩnh tổng thiệt hại trong đợt mưa lũ này khoảng 353 tỷ đồng. Đợt mưa lũ này đã khiến 17.557 hộ dân bị ngập nước, trong đó 1.881 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 1.708ha lúa mùa, 2.412ha ngô đồng, 700 ha khoai đồng, 31ha lạc, 1.638ha rau màu bị hư hỏng hoàn toàn. 32.150 con gia cầm bị trôi. 390.500m³ công trình thủy lợi, 305.500m³ công trình giao thông và 638 cầu, cống bị sạt lở và cuốn trôi. 31 trạm y tế, 71 trường học, bị hư hỏng nghiêm trọng. 1.858 trụ điện trung, hạ thế bị gãy đổ, 144.4km đường dây bị đứt…
Quảng Trị: Thiếu tá Hoàng Văn Trung, Phó trưởng Công an huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, tại thị trấn Khe Sanh, một ngôi nhà xây dựng gần cống thoát nước của QL9, thoát ra một con khe rất sâu nằm cạnh đó, đã bị mưa lớn làm sạt lở móng nhà dẫn đến ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, vùi lấp cả 4 người đang ở bên trong. Công an huyện Hướng Hóa đã nhanh chóng tổ chức lực lượng ứng cứu, một lúc sau đó cứu được 2 nạn nhân trong đống đổ nát trong tình trạng bị thương nặng, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Ở Quảng Trị, do mưa lớn trong nhiều ngày qua, làm QL9 sạt lở nặng, trong đó tại Km 51 Đông Hà đi Lao Bảo, một khối lượng lớn đất đá lớn đổ sập xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Đakrông đi A Lưới (Thừa Thiên – Huế) bị sạt lở và sụt lún taluy âm tại hàng chục điểm, trong đó hai điểm nặng nhất tại Km 255 và 260. Thiếu tá Hồ Văn Thí, Đội phó đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Đakrông cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực san gạt sạt lở, gia cố sụt lún nhưng do đất đá đổ xuống lòng đường quá lớn, sụt lún nghiêm trọng, có nơi nứt đôi lòng đường nên đến cuối ngày hôm qua vẫn chưa thông đường được.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCBL tỉnh Quảng Trị, đến chiều qua, hơn 2.000 nhà dân ở vùng trũng huyện Hải Lăng, Triệu Phong bị ngập từ 0,5m đến 1,5m, giao thông bằng ô tô đi lại trong vùng bị ách tắc.
Theo UBND huyện Hải Lăng, tại thôn Trung An, xã Hải Khê một trận lốc tràn qua làm hư hỏng 1 chiếc ghe và 8 nhà. 1 cháu bé 2 tuổi tại xã Hải Sơn đã chết đuối khi người lớn trong gia đình bất cẩn, lo dọn dẹp nhà cửa.
Nhóm PV

Bình luận (0)