Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mua lúa tạm trữ: Rối rắm mô hình quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội nghị về mua tạm trữ lúa gạo tại ĐBSCL do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 23.5, số lượng tạm trữ được xác định tối đa 1,5 triệu tấn lúa quy gạo trong vụ đông – xuân và tối đa 1 triệu tấn quy gạo trong vụ hè – thu.

Có 3 phương án tạm trữ được đề xuất gồm: Giao hiệp hội Lương thực Việt Nam làm đầu mối như hiện nay; UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL giao cho các hộ nông dân, chủ trang trại, HTX, các thương nhân thu mua tạm trữ; Làm theo phương án 2, nếu địa phương nào không đảm nhận thì chuyển toàn bộ chỉ tiêu của địa phương cho hiệp hội Lương thực Việt Nam để tổ chức mua tạm trữ.
Địa phương tạm trữ?
Cách làm này gợi nhớ những năm cuối thế kỷ trước, mỗi tỉnh có một sở Lương thực (đảm trách 3 thu: thu mua, thu thuế, thu nợ). Khi nhiều công ty lương thực cùng cạnh tranh nhau và không ít công ty vỡ nợ nên việc lập đầu mối như hiện nay và chuyển cục nợ về một đầu mối khiến các địa phương nhẹ gánh.
Nay, các địa phương sẽ làm gì nếu được giao nhiệm vụ mua lúa tạm trữ?
Cho đến nay, cơ quan dự trữ quốc gia vẫn nằm ngoài hoạt động tạm trữ trong khi mô hình từng địa phương điều hành lẫn đầu mối Hiệp hội điều hành đều đã qua giai đoạn trải nghiệm nhưng ai cũng thấy khó. Nếu có một cuộc giải cứu như BĐS, liệu mọi việc sẽ dễ hơn không?
Ông Trương Thanh Phong, tổng giám đốc tổng công ty Lương thực Miền Nam, khó khăn hiện nay là: Thời gian mua tạm trữ, giá thành của 13 tỉnh, thành không cùng nhau, phân chia chỉ tiêu cũng khó. Riêng việc quy hẳn sang mua lúa là vô cùng khó khăn nếu đứng trên góc độ DN thu mua.
Ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, phân bổ chỉ tiêu theo sản lượng của từng địa phương là hợp lý, đặc biệt theo hướng cánh đồng mẫu lớn là quá hay. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Quỳnh, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thực hiện theo phương án UBND tỉnh làm đầu mối, nhưng đầu ra thì sao?
Hầu hết cả 13 tỉnh, thành đều thống nhất phương án Hiệp hội lương thực Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch cho các thành viên mua 1 triệu tấn (quy gạo) lúa hè thu, thời gian 60 ngày từ 15.6 đến 15.8, và đề nghị gắn kết chặt chẽ với UBND các địa phương, nâng số lượng mua tạm trữ lên 2 triệu tấn quy gạo (đối với vụ đông-xuân) và 1,5 triệu tấn quy gạo (đối với vụ hè-thu), thay vì quy ra gạo như hiện nay thì nên quy ra lúa.
Mua lúa tạm trữ ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Yến
“Nên quy hẳn sang lúa, như vậy sẽ có lợi cho nông dân nhiều hơn”, ông Phan Anh Vũ, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nói. Riêng nông dân, chủ trang trại, THT, HTX là đối tượng được mua tạm trữ sẽ rất khó triển khai vì hiện nay, DN tiếp cận nguồn vốn vay đã khó rồi huống chi là những đối tượng này.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, cục trưởng cục Chế biến, thương mại nông lâm, thủy sản và nghề muối cho biết, từ nay đến cuối năm, dự kiến nguồn cung gạo hàng hóa bao gồm lượng lúa, gạo hàng hóa vụ hè -thu, đông-xuân năm 2013 (sau khi đã trừ tiêu dùng nội địa), cộng với lượng tồn kho tại các DN khoảng 5,608 triệu tấn quy gạo, hợp đồng xuất khẩu gạo đã đăng ký nhưng chưa giao hàng là 2,035 triệu tấn (tính đến 16.05.2013). Như vậy, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm là 3,573 triệu tấn quy gạo (chưa kể số tồn kho theo báo cáo năm 2012 của hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là 7,87,45 ngàn tấn).
Cục Dự trữ quốc gia vẫn ngoài cuộc
Ông Nguyễn Văn Tiến, tổng giám đốc công ty Angimex nói: nếu quy sang lúa thì nên tăng thời gian hỗ trợ lãi suất cho các DN. Tuy nhiên, DN sẽ gặp khó khăn vì hiện nay đâu phải DN nào cũng có đủ năng lực thu mua tại từng nông hộ, chưa tính DN hiện nay không đủ năng lực sấy lúa.
Kinh nghiệm cho thấy khâu sấy chính là quan trọng nhất trong quy trình, ông Nguyễn Tiến Dũng, trợ lý tổng giám đốc công ty cổ phần BVTV An Giang, nói. "Năng lực sấy không có thì không cách nào thu mua tại ruộng được. Phải có quy trình SX tập trung nên nơi nào có đủ năng lực thu mua, dự trữ và biết cách tổ chức thì mới giao cho nơi đó”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo dự kiến, 116/120 thương nhân được phân bổ kế hoạch mua tạm trữ với giá mua lúa khô loại thường (IR 50404) tại kho dao động từ 5.200đ – 5.400đ/kg, quy ra giá mua lúa khô tại ruộng từ 5.100 đ/kg — 5.300/kg.
Ông Phan Kim Sa, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Đồng Tháp lo ngại nói: đồng ý công ty mua lúa nhưng nên xem xét lại tăng sản lượng lúa mua vào vì hiện nay lượng gạo tồn kho rất lớn, đầu ra khó khăn; DN sẽ gặp khó khăn nếu tăng sản lượng.
Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kết luận, hiện vẫn chưa có quyết định chọn ai là người điều hành thực hiện công việc triển khai mua tạm trữ.
“Nhưng nếu Chính phủ chưa thông qua quy chế tạm trữ thì áp dụng phương án tạm trữ như hiện hành, tức giao cho VFA điều hành. Tuy nhiên, VFA phải công bố minh bạch các thông tin về điểm thu mua, giá cả thu mua để địa phương và nông dân cùng biết.”
VÂN ANH- NGỌC BÍCH
(SGTT)

Bình luận (0)