Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mùa mưa – cao điểm của bệnh viêm não ở trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

 Viêm não do vi rút là bệnh rất nguy hiểm ở trẻ em và mùa mưa ở miền Nam thường là mùa cao điểm của bệnh.

Viêm não ở trẻ emẢnh chỉ có tính minh họa – Ảnh: Shutterstock
Viêm não do vi rút thường xuất hiện ở khu vực phía nam nước ta trong mùa mưa từ khoảng tháng 5 cho đến tháng 10. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, từ tháng 1 cho đến tháng 5 năm nay, mỗi ngày bình quân có 5 bệnh nhi nằm điều trị viêm não. Nhưng bắt đầu từ tháng 6, số lượng đã tăng có lúc đến 12 bệnh nhi mỗi ngày. Đáng lưu ý là có nhiều cháu chỉ mới sốt 1 ngày đã phải chuyển sang thở máy.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, tính từ đầu tháng 4 đến nay, đã có 27 trẻ phải nhập viện do bệnh viêm não và viêm màng não do vi rút.
Tại sao não bị viêm?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết viêm não cấp là tình trạng viêm cấp tính não bộ, bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao. Tác nhân thường là một số vi rút và mỗi loại vi rút sẽ gây ra loại bệnh viêm não khác nhau. Vi rút có thể xâm nhập vào não bộ qua đường máu (do muỗi chích), theo đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp và gây nên bệnh viêm não cấp.
Trong số các loại bệnh viêm não, viêm não Nhật Bản khá phổ biến ở VN và rất nguy hiểm. Theo bác sĩ Khanh, viêm não Nhật Bản là tình trạng viêm não cấp do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra. Vi rút gây viêm não Nhật Bản truyền sang người từ heo, chim có mang mầm bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Muỗi Culex hút máu heo hoặc chim có chứa vi rút, sau đó chích người và truyền siêu vi gây bệnh cho người. Bệnh viêm não Nhật Bản không thể lây từ người sang người.
Theo các số liệu thống kê, bệnh viêm não cấp thường gặp ở trẻ em (trên 90%), tuổi mắc bệnh thường là từ 2 đến 8 tuổi. Đa số trẻ mắc viêm não Nhật Bản sống ở vùng nông thôn, nơi có nuôi heo và trồng lúa.
Bác sĩ Khanh cũng cho biết, trước đây có giả thuyết một loài chim di trú về ăn vải làm lây lan bệnh ở miền Bắc, nhưng đấy là tin đồn sai. Thực sự bệnh này không liên quan gì đến trái vải.
Khi nào nên đi khám ?
Triệu chứng của viêm não cấp cũng giống như viêm não Nhật Bản, trẻ mắc bệnh viêm não cấp thường khởi bệnh đột ngột với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, ói mửa, lừ đừ, bỏ ăn, có thể kèm ho, tiêu chảy. Sau 1 – 2 ngày từ khi có các triệu chứng đầu tiên, trẻ bắt đầu co giật, hôn mê và có thể tử vong rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh viêm não do vi rút tác động vào hệ thần kinh trung ương, trong đó đặc biệt là não. Sự tác động này để lại tổn thương và di chứng thần kinh nặng.
Điểm lưu ý đặc biệt với phụ huynh, nếu trẻ kêu đau đầu thì rất có thể bé bị viêm não. Với viêm não Nhật Bản, thời gian ủ bệnh trong vòng 5 -15 ngày. Khoảng thời gian 1 – 6 ngày sau khi bị vi rút xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Giai đoạn viêm não cấp tính có biểu hiện sốt cao liên tục 38 – 40oC, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật ở ngón tay, mi mắt. Để có thể điều trị kịp thời, nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy trẻ sốt cao, ói mửa, đau đầu, đặc biệt là khi trẻ co giật, hôn mê, bác sĩ Khanh lưu ý. Nếu điều trị kịp thời, trẻ có thể lành bệnh và không có di chứng. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh, hoặc nếu lành bệnh thì cũng mang di chứng.
Hiện nay, không ít trường hợp trẻ bị sốt kéo dài, nhiều phụ huynh tự chẩn đoán cho con, nhầm lẫn các triệu chứng viêm não với các bệnh gây sốt thông thường, dẫn đến hậu quả là trẻ không được chữa trị kịp thời, dùng thuốc không đỡ người nhà mới cho đi viện thì bệnh đã nặng, có trẻ đã bị rối loạn tri giác. Bác sĩ Khanh lưu ý: Bệnh viêm não do vi rút chỉ có thể được phát hiện nhờ các xét nghiệm và sự theo dõi của bác sĩ. Phụ huynh nên theo dõi sát những biểu hiện của trẻ. Khi thấy trẻ bỏ ăn, bỏ chơi, không nói, người lờ đờ…; nhất là khi trẻ kêu đau đầu, cứng gáy, cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, viêm màng não và khẩn trương đưa đến bệnh viện.
Phòng tránh chủ động
Bệnh viêm não do vi rút có thể phòng tránh được bằng cách ngăn ngừa nguồn lây bệnh. Theo bác sĩ Khanh, vi rút viêm não có thể lây lan qua đường ăn uống, hô hấp và do muỗi đốt. Đầu mùa mưa, muỗi phát triển nhiều. Nếu người lớn không chú ý phòng chống muỗi đốt cho trẻ, nguy cơ trẻ nhiễm viêm não và cả sốt xuất huyết sẽ tăng cao. Ðể phòng ngừa viêm não cấp nên diệt muỗi, ngủ mùng, bảo ðảm vệ sinh khi ăn uống. Ở khu dân cư, xung quanh nhà, nên phát quang các chỗ tù đọng, không để các lu nước bẩn lâu ngày… để muỗi và ấu trùng muỗi không còn nơi sinh sống.
Cũng có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin cho trẻ. Hiện nay ở VN chỉ có thuốc chủng ngừa ngừa viêm não Nhật Bản và để phòng ngừa bệnh này, nên chủng ngừa tại cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn.
Trẻ có thể bắt đầu chủng ngừa viêm não Nhật Bản từ 12 tháng tuổi: gồm 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 1 – 2 tuần, 1 năm sau nhắc mũi 3. Cần chủng ngừa đủ liều lượng mới đạt hiệu quả. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh thường quên tiêm nhắc mũi thứ 3 nên việc tiêm vắc xin không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bác sĩ Khanh lưu ý rằng: Chủng ngừa viêm não Nhật Bản chỉ ngừa được viêm não Nhật Bản chứ không thể ngừa được các viêm não khác.
Hiện nay vào mùa mưa ở miền Nam, cũng là mùa cao điểm của các bệnh viên não do vi rút, đặc biệt là viêm não Nhật Bản, các phụ huynh nên đặc biệt lưu ý áp dụng biện pháp phòng tránh, cũng như theo dõi sinh hoạt của trẻ để phát hiện khi bệnh mới chớm.

Cẩm Nhung (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)