Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mưa. Nghỉ học vì “thầy bận họp”

Tạp Chí Giáo Dục

 Buổi chiều cuối tuần. Trời mưa nặng hạt. Tôi dự định đưa đứa con gái đến lớp học thêm tại nhà thầy giáo. Trước lúc đi, con gái tỏ ra ngần ngừ và cho biết thường khi trời mưa, thầy sẽ không dạy vì các bạn đến học rất ít.

Thử liên lạc với một bạn cùng học, cháu nghe phong thanh rằng chiều nay không học vì thầy bận tham gia một cuộc họp trong trường.
Để chắc ăn, hai mẹ con vẫn mặc áo mưa vượt một quãng đường khá xa để đến nhà thầy. Đến nơi đã trễ vài ba phút so với quy định 13g30. Một bạn khác đến trước cũng lóng ngóng trước cánh cổng đang khóa kín. Cửa nhà bên trong cách đó vài mét cánh mở cánh khép.
Ít phút sau, một bạn khác lại đến trong áo che mưa nhưng người cũng ướt sũng. Cả bốn đứng tạm dưới mái hiên nhà trước một cơn mưa nặng hạt. Tất cả đều đã bắt đầu thấm lạnh nhưng bên trong căn nhà vẫn lặng như tờ.
Một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng đồng thanh: “Thầy ơi, có học không? Mở cửa cho tụi con vào. Ngoài này mọi người ướt hết rồi, lạnh lắm!”. Mặc cho những tiếng gọi vô vọng bị tiếng mưa rơi át lấy, không hề có một bóng người, cũng chẳng có lời hồi âm. Đồng hồ treo tường trong nhà thầy giáo, kim đã chỉ sang 13g40.
Cuối cùng, tôi nói với con mình mà như cho tất cả: “Thôi, đành về vậy. Để khi khác, con ạ!”. Chiếc xe máy chở hai mẹ con vừa vút đi, hai bạn còn lại cũng lục tục leo lên xe đạp lao vào màn mưa trắng xóa trở về. Phía sau họ, trong nhà vẫn im ỉm.
Có lẽ thầy giáo đã đi họp thật. Hoặc giả do trời mưa quá to, che lấp tiếng gọi của những con người đáng thương ấy. Thế nhưng, dẫu đã trở về nhà, cả tôi lẫn con gái mình vẫn cứ thắc mắc tại sao khi đến gần giờ học, thầy giáo không mở sẵn cổng nhà mình để nhỡ trời có mưa, các em cũng vào được để trú tạm chờ đến giờ học. Và giả như hôm đó thầy bận việc đột xuất, tại sao thầy không treo trước cửa nhà một tấm bảng nho nhỏ: “Hôm nay thầy bận, không đạy được” để học trò biết? Việc đó nào có khó gì nhưng nó đã không được thực hiện để thể hiện không khí ấm áp tình người không chỉ giữa thầy – trò và không chỉ có trên các bục giảng trong nhà trường.
Nhiều người vẫn thường đề cập, nhắc nhở đếm cụm từ “đạo đức nghề nghiệp” nhưng trong cuộc sống thường nhật, nó còn ở đâu xa.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)