Y tế - Văn hóaThư giãn

Mùa ổi chín

Tạp Chí Giáo Dục

1. Thằng Vĩnh xách đến một bọc ổi đùm trong chiếc áo mưa:

– Chúng mày ăn đi rồi coi bò cho tao! Chiều tao lại cho nữa.

– Thằng Vĩnh kiếm đâu ra nhiều ổi nhỉ – Thằng Vương thầm thì.

– Ối dào. Kiếm đâu ra kệ nó, miễn là mình có ổi chén. Bây giờ mà có thêm tí muối ớt nữa thì thật là tuyệt. Tôi xoa hai bàn tay vào nhau rồi hau háu nhìn những trái ổi chín vàng. Giống ổi này quả không to, vỏ vàng, ruột đỏ. Cắn một miếng ngập đến chân răng. Giống ổi hạt mềm, ngậm trong miệng có vị chua chua, ngòn ngọt, tan ra tận đầu lưỡi. Đến mùa ổi chín, mùi thơm sực nức cả một vùng. Tối tối các loài vẹt, dơi ở đâu rào rào lao tới làm rung cả thân cây.

Chiều. Thằng Vĩnh lại xách thêm một đùm ổi nữa. Lần này chiếc áo của nó rách toạc một đám, có lẽ bị gai cào, bên má lại có vết tím bầm. Chắc thằng này bị ai đánh. Không khéo nó lại theo hội ăn trộm gà của thằng Phụng cũng nên.

2. Thằng Vĩnh là con trai một của chú Sinh.

Hồi chú Sinh còn ở nhà, cuộc sống gia đình chú cũng túng bấn lắm. Chú làm nghề thợ mộc. Tay nghề không cao, chú đóng cho nhà này bộ bàn ghế, nhà kia cái cũi đựng thức ăn, ai thuê gì chú làm nấy. Có lúc chú đi buộc lại dãy hàng rào đổ nát, hoặc đảo lại mái ngói cho những gia đình thiếu vắng bàn tay đàn ông. Nghe nói chú học nghề mộc hồi ở trại. Ra tù, chú xin theo đoàn thợ mộc làm nhà. Ăn cơm thiên hạ mòn răng nhưng cái tính tắt mắt, chú vẫn không sửa được. Chú bị đuổi khỏi đoàn. Đã mấy lần gia chủ mất vặt, đoàn thợ mộc bị mang tiếng.

Chú Sinh thường uống rượu say rồi đi suốt đêm như ma. Thằng Vĩnh đòi thứ gì là chú ăn cắp cho bằng được thứ ấy. Tiếng là con nhà nghèo nhưng thằng Vĩnh chẳng thiếu thứ gì so với chúng bạn.

Một hôm thằng Vĩnh ở trần, mặc chiếc quần cộc lủng đáy, cầm gói thuốc Chợ Lớn hớn hở chạy về khoe với bố: “Hôm nay nếu mặc áo dài con sẽ giấu được cả cây thuốc. Bà Hiền vào nhà, quên đóng cửa quán”. Chú Sinh giật nảy người, mặt chú tím lại, chú ngồi bần thần một hồi lâu. Cầm gói thuốc trên tay, chú lặng thinh không nói một lời nào. Chú nghĩ ngợi có vẻ mông lung lắm. Một lúc sau, chú lấy một điếu thuốc châm lửa hút.

Chú nhả khói thành những vòng tròn rồi lơ đãng nhìn theo. Những con số không lớn dần lên, bay thẳng, đậu lại trên nóc nhà. Mẩu thuốc cháy đến tận ngón tay, chú mới biết. Chú gọi thằng Vĩnh lại: “Từ nay con mà lấy của ai cái gì là ba chặt tay, nghe chưa”. Chú nghiến chặt răng, xé vụn từng điếu thuốc, thả xuống nền nhà: “con hốt bỏ vào bao vứt đi cho ba”. Từ đó, chú Sinh không bao giờ đi ăn trộm nữa. Mấy tháng sau, ông anh họ xin cho chú làm nghề giữ kho giống của tỉnh. Chú đi làm công nhân nhà nước.

Đi làm được mấy năm thì chú Sinh xây nhà. Nhà chú Sinh to nhất xóm. Cô Nhài, vợ chú sáng sáng mang gạo ra chợ bán, khi về thường treo đồ ăn trước ghi đông xe đạp, mặt cô vếch ngược lên trời. Chú Sinh béo trắng ra. Cổ chú đeo một sợi dây chuyền to tướng, trên cái cổ tay mập thù lù là chiếc đồng hồ đắt tiền. Cái bụng của chú phưỡn ra. Chú ưỡn bụng uốn éo, đánh mông tanh tách như người ta đang nhảy điệu tăng gô, nhìn chú chúng tôi không nhịn được cười. Thằng Vĩnh bỏ học. Nó không chỉ ăn trộm quả bầu quả mướp như bố nó ngày xưa. Nó cạy cửa vào nhà người ta lấy đồ đạc. Bị đuổi, nó chạy còn nhanh hơn cả bố.

Chú Sinh mua cho thằng Vĩnh một con bò để chăn. “Nhàn cư vi bất thiện” – chú bảo thế. Lớn lên chú sẽ xin cho nó một việc làm gì đó trong thành phố hay cho nó học nghề buôn bò như ông Đại cũng hay. Gặp cơ hội thì phất lên không mấy tí.

3. Ông Thiền bị tật từ nhỏ. Hai chân ông bị khoèo. Trời bù lại cho ông nửa thân người phía trên thật đẹp. Ông có hai sào vườn, đất đai hương hỏa của ông bà ngày xưa để lại. Hồi ông còn nhỏ, có một thằng bé trèo cây ăn trộm ổi nhà ông. Từ xa, ông ném một hòn đá trúng đầu thằng bé. Nó rơi từ trên cây xuống, què tay. Kể từ đó, đến mùa ổi chín ông đặt cái chõng tre dưới gốc nhãn ngồi may nón, cũng vừa để trông vườn. Thỉnh thoảng vắng nhà, khi về mà bất ngờ bắt gặp bọn trẻ đến hái trộm ổi, ông bảo chúng cứ hái xuống rồi ông cho mấy quả cầm về mà ăn. Lâu lâu ông lại nhờ mấy đứa nhỏ đến hái giùm ổi cho mẹ ông đi chợ bán. Ông chọn những quả thật ngon cho chúng, hình như ông muốn chuộc lại lỗi lầm. Tôi nghe bà tôi kể thế.

Ông Thiền may nón đẹp lắm. Vành nón của ông khó mà tìm ra được chỗ chắp mối nối. Nghe nói hồi còn đánh Mỹ, có một vị nguyên thủ quốc gia nước bạn sang thăm ta. Cả tỉnh chỉ chọn được một cặp nón của ông để tặng cho bà phu nhân. Ông được tỉnh thưởng cho một cái phích và bộ ấm chén, ngoài ra còn thêm mấy cân sợi cước để may nón. Từ ngày cha mẹ qua đời, ông Thiền ở một mình. Ông không lấy vợ, hay nói cách khác là không một người phụ nữ nào chịu làm vợ ông. Đó là những chuyện bà ngoại tôi kể lại, chứ nay thì ông Thiền đã già, mắt ông kém đi, hai tay run run không thể may được nữa, ông xoay sang nghề làm vành. Nhưng rồi máy chuốt vành cũng ra đời đã cướp đi những khách hàng cuối cùng của ông, chỉ có những người nào tinh đời lắm, quý ông lắm mới đặt cho ông dăm ba chục bộ. Ông Thiền bây giờ chỉ còn trông chờ vào vườn ổi. Đến mùa ổi chín, ông đưa cái sào nứa có mắc ngoắc sắt thật nhẹ nhàng, trái ổi rớt vào cái vợt hứng phía dưới. Ông làm việc này thận trọng như người ta di chuyển đồ vật dễ vỡ. Mùi ổi chín đã dẫn dụ bao loài tới, ông phải treo bóng điện lên trên cây để xua vẹt, xua dơi.

Chúng tôi đến nhà ông Thiền vào buổi tối. Ông đang nằm đọc sách trên cái chõng lèo. Cái vạc giường đã lên nước vàng óng. Không biết ông đã nằm trên cái chõng ấy mấy chục năm rồi. Thấy chúng tôi đến, ông ngồi dậy.

– Thưa ông! Lúc chiều đi qua, chúng cháu thấy bọc ổi này giấu ngoài bờ rào. Chúng cháu nghĩ bọn xấu đã hái trộm ổi của ông. Tôi nói dối một cách trơn tru. Ông Thiền móm mém cười, mắt rơm rớm nước:

– Các cháu cứ giữ lấy mà ăn. Ông mới gây được giống ổi Boi để thay giống cũ, hồi chiều không biết đứa nào nó bẻ gãy hết cả cành.

Chúng tôi im lặng nhìn nhau. Khi ra về, tôi còn bí mật đặt xuống cái chõng tre của ông mấy ngàn đồng bạc.

4. Liên đội Trường THCS Nguyễn Huệ thành lập đội Học tốt làm tốt trên địa bàn dân cư. Chương trình hoạt động của đội chiều thứ bảy là làm công tác Trần Quốc Toản. Nghĩa là chúng tôi sẽ đến giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sĩ, những gia đình có người tàn tật, cô đơn, không nơi nương tựa.

Người đầu tiên chúng tôi đến giúp là ông Thiền.

Đúng 15 giờ 30, toàn đội có mặt ở nhà ông. Các bạn gái quét nhà, quét sân, làm vệ sinh xung quanh vườn, các bạn trai giúp ông vun xới và tưới nước cho vườn ổi. Hai bạn Thuận và Nam gánh nước mưa từ bể nhà mình về đổ vào chum cho ông. Các bạn Ngọc, Cư ở thôn Hải Tiến đến tặng ông hai gánh củi khô. Chúng tôi bàn nhau đến mùa quả chín sẽ đến hái và giúp ông bán ổi.

Cuối buổi, ông Thiền đãi chúng tôi một mớ ổi thật ngon. Khi chúng tôi ra về thì chú Sinh phóng xe máy đến. Chú mang cho ông Thiền một chiếc máy bơm. Chú nói có cái máy bơm sẽ đỡ công xách nước tưới. Lần này chú về vì chuyện của thằng Vĩnh. Nó theo bọn nghiện trèo tường vào nhà người ta ăn trộm xe máy. Xã phạt mỗi đứa 500 ngàn đồng.

Mấy đứa nhìn chú Sinh tỏ vẻ thán phục lắm. Chú mang tiền về xã nộp phạt cho thằng Vĩnh và luôn tiện mua cho ông Thiền cái máy bơm. Chú tham gia công tác từ thiện. Chú Sinh đã biết lo lắng cho hạnh phúc của người khác. Chỉ có riêng mình tôi mới biết điều bí mật này – thuở nhỏ chú cũng đã có lần vào vườn nhà ông Thiền ăn trộm ổi.

Thanh Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)