Một tiết mục múa rối nước của Nhà hát Múa rối Rồng Vàng. Ảnh: H.A.T |
Thật vậy, trong Liên hoan Múa rối quốc tế lần II do Bộ VH-TT-DL tổ chức từ ngày 4 đến 11-9 tại Hà Nội vừa qua với sự tham gia của 13 quốc gia trên thế giới thì loại hình nghệ thuật này được coi là “độc diễn” vì không có đối thủ cạnh tranh.
“Bức tranh” không còn buồn
Những năm trước đây, loại hình nghệ thuật múa rối nước chỉ xuất hiện ở miền Bắc với hai nhà hát nổi tiếng là Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối Trung ương cùng 28 phường rối nước thay phiên nhau biểu diễn phục vụ khán giả trong nước, đặc biệt là du khách nước ngoài rất yêu thích. Theo thời gian, loại hình này bắt đầu trở nên ảm đạm, khán giả trong nước thờ ơ bởi lẽ nó không còn đặc sắc như xưa, nội dung các vở lại nghèo nàn, nhất là sự áp đảo của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại. Chính vì thế, các nghệ nhân không còn tâm huyết để tìm tòi, phát huy những giá trị độc đáo của nó. Để cải thiện “bức tranh” buồn này, cách đây không lâu, một cuộc thi sáng tạo múa rối nước về đề tài đương đại giữa các phường rối đã diễn ra khá sôi động. Kết quả cuộc thi đã cho thấy sự nâng chất của các phường rối, nhiều trò diễn và các tích cổ đã được phục hồi. Bên cạnh đó, Nhà hát Múa rối TW cũng đã “lôi kéo” được khán giả Việt với vở Hồn quê của đạo diễn Vương Duy Bích – một vở diễn kết hợp giữa múa rối nước với nghệ thuật sắp đặt rất đặc sắc. Tại TP.HCM, khán giả cũng được thưởng thức loại hình nghệ thuật này với sự ra đời của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, biểu diễn một ngày 2 xuất tại Cung Văn hóa Lao động. Không chỉ thu hút các khán giả nhí mà nhiều khán giả người lớn và khách nước ngoài đến xem đều dành những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Thế mạnh của nhà hát này là sân khấu đẹp, rối đẹp, các nghệ sĩ cũng rất chuyên nghiệp với những lễ hội dân gian, cuộc sống nông thôn, các truyền thuyết qua những tiết mục khá đặc sắc. Tiết mục Múa phượng với cảnh đôi phượng đẻ trứng, nở con, cùng nhảy múa tung tăng hạnh phúc bên nhau, ngoài ra còn được thưởng thức nhiều loại nhạc cụ dân gian như đàn tranh, đàn bầu, mõ, trống, sáo, chiêng, cồng… Cách diễn của Rối nước Rồng Vàng vui tươi, nhiều màu sắc, mang không khí hội hè với dàn nhạc được bố trí hai bên hòa giọng cùng con rối, những bí mật của việc điều khiển rối được giấu kỹ dưới lớp nước nên khán giả sẽ không thấy sào tre, dây nhợ… “Chúng tôi vẫn giữ lại đặc tính cổ truyền của rối nước Bắc bộ nhưng làm mới bằng cách thay lời thoại bằng ngôn ngữ miền Nam qua một số các điệu hò, lý Nam bộ để người dân thành phố không cảm thấy múa rối nước quá xa lạ” – ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ. Đây cũng là đơn vị tư nhân đầu tiên được mời sang Nhật Bản tham dự lễ hội Kijimuna Festa 2009.
Sẽ tiếp tục những sáng tạo mới
Tham gia vào Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ II vừa qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã mang đến một chương trình hoàn toàn mới, lấy cảm hứng từ vốn cổ dân tộc nhưng không dựa trên một tích cổ hoặc trò rối của phường rối dân gian nào, từ Rước Thành hoàng làng, Ngửa váy hứng dừa, Chọi trâu lúc nông nhàn, kỹ thuật biểu diễn, tạo hình con rối được nghiên cứu kỹ lưỡng tới từng động tác mới để con rối cử động chi tiết và tinh tế hơn, điều này khiến khán giả rất thú vị. Nhà hát Múa rối Trung ương cũng tạo dấu ấn tốt với người xem và bạn bè quốc tế qua kịch bản được viết phỏng theo truyện kể của Andersen. Việc đưa kịch bản văn học nước ngoài lên sân khấu rối nước không chỉ tạo cho người xem nhiều cảm xúc mới lạ mà còn chứng tỏ khả năng linh hoạt và rất biểu cảm vượt qua vẻ thô mộc vốn có của rối nước truyền thống. Sắp tới đây, Múa rối nước Rồng Vàng sẽ xây dựng góc làng quê Việt Nam với các trò chơi của lễ hội truyền thống để nó thực sự diễn ra trong một không gian truyền thống. Và như thế sẽ giáo dục được khán giả nhí về tinh hoa của loại hình nghệ thuật này… Tuy nhiên, một điều khiến các nghệ sĩ múa rối nước băn khoăn là tại sao múa rối nước đã khẳng định được vị trí độc tôn mà đến nay, UNESCO vẫn chưa công nhận nó là tài sản phi vật thể của Việt Nam?!?
HIỆP THANH
Loại hình nghệ thuật, văn hóa “đặc sản” này cần phải được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, trước hết là gìn giữ nó trong lòng khán giả Việt Nam. Việc đưa múa rối nước vào trường học để sinh viên – học sinh được xem biểu diễn, được giao lưu với các nghệ sĩ và yêu nó là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, sức sống bền vững nhất của bất cứ loại hình văn hóa nào cũng phải được xây dựng từ chính cái nôi sinh thành ra nó. |
Bình luận (0)