Khai thác rong mơ không còn chuyện “hái” tiền triệu mỗi ngày như những năm trước. Hiện rong mơ rớt giá chỉ bằng 1/3, khiến hàng ngàn người dân Khánh Hòa mất nguồn thu.
Rớt giá
Giá rong mơ (đã phơi khô) trên thị trường có thời điểm được thu mua khoảng 10.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày, một người khai thác rong mơ có thể kiếm được khoảng 500.000 – 700.000 đồng khá dễ dàng.
Vì thế, hàng năm ngay từ những tháng đầu, khi rong mơ còn non, nhiều người đã kéo đến khu vực biển Nha Trang (nơi có nhiều rong mơ) để khai thác. Theo đánh giá, vùng biển tỉnh Khánh Hòa có nguồn rong mơ khá phong phú, tập trung với sản lượng lớn ở các bãi triều đáy cứng (đá, san hô chết…) ven biển và các đảo, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 10.000 tấn rong tươi
Người dân phơi rong mơ trên bãi biển Nha Trang.
Năm nay, nghề khai thác rong mơ thất bát. Hiện đang vào chính vụ khai thác, nhưng giá chỉ bằng 1/3 những năm trước nên người dân không hào hứng khai thác. Tại xã đảo Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), vào thời điểm này, hàng năm, có khi cả xã ùa ra biển khai thác rong mơ vì mỗi ngày cho thu nhập từ 500.000 – 700.000 đồng/người.
Bà Trà Thị Bông Sen, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, Ninh Vân là xã có trữ lượng và người khai thác rong mơ nhiều nhất tỉnh, có khi 100% ghe tàu của xã đều tham gia khai thác, với hàng trăm lao động mỗi ngày.
Tuy nhiên, năm nay rong mơ mất giá, chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg rong khô nên nhiều người không hào hứng. Rong mơ tươi được khai thác từ tháng 4 đến tháng 8, sau đó phơi khô để xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó Trung Quốc chiếm đa phần. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá rong mơ năm nay xuống thấp do phía Trung Quốc thu mua cầm chừng, rồi đến chuyện ép giá.
Cần có hướng khai thác hợp lý
Rong mơ là loài rong biển có giá trị kinh tế cao hiện có nhiều nước thu mua và vùng biển miền Trung được đánh giá có trữ lượng rong mơ lớn nhất nước. Tại đây, việc khai thác rong mơ bừa bãi đang từng ngày đe dọa môi trường và hệ sinh thái biển. Rong mơ (tên khoa học Sargassum) có nhiều ở biển nước ta, đặc biệt là các vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên…
Những năm gần đây, rong mơ ngày càng có giá trên thị trường nên được người dân sinh sống ven biển khai thác bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm, dược phẩm… Tuy nhiên, điều đặt ra là nạn khai thác tận diệt khiến hệ sinh thái ven bờ đứng trước những thách thức. Không những thế, khai thác rong mơ thời gian qua theo kiểu ồ ạt nên thường bị thương lái nước ngoài ép giá.
Được biết, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang và Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về rong mơ, nhằm đánh giá hiện trạng và tìm các giải pháp bảo vệ nguồn lợi này.
Một số kết quả nghiên cứu đều khẳng định, rong mơ gắn chặt với hệ sinh thái san hô và các loài thủy sinh khác. Nếu rong mơ biến mất, môi trường sinh thái biển nơi đó sẽ bị thay đổi theo chiều hướng xấu. Thực tế cho thấy, ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…, không chỉ khuyến khích khai thác rong mơ hợp lý mà còn tiến hành trồng rong mơ tại các vùng biển. Đối với Việt Nam, hiện chưa có lệnh cấm khai thác rong mơ và cũng chưa có đề án nào về nuôi trồng rong mơ để bảo vệ sinh thái biển.
Thực tế, nhiều tỉnh miền Trung đã có chỉ thị cấm khai thác rong mơ bừa bãi, tuy nhiên rất khó kiểm soát tình hình.
VĂN NGỌC (SGGP)
Bình luận (0)