Có lẽ ít ai nghe kiểu nói như vậy. Lâu nay chỉ có mùa bắt dế, mùa đá dế. Ở quê, cứ mưa xuống, cỏ mọc là dế gáy ran trời, khiêu khích lũ nhỏ. Sau vài cơn mưa đầu mùa, cỏ non vừa chớm xanh là lũ dế đồng khởi hợp ca gọi lũ trẻ con hí hửng vào mùa đá dế. Còn muốn biết mùa săn dế ra sao thì qua… campuchia.
Dế thường nấp dưới những đống gạch vụn, đống xà bần và nhiều nhất là những tảng đất của luống cày. Lũ trẻ chỉ bắt dế trống – cánh mỏng và có hoa văn – bỏ vào hộp để nghe nhạc dế hoặc tổ chức thi gáy và khoái nhất là đá dế. Dế chiến phải đầu to, mình thon, cặp chân sau bự. Chúng được bồi dưỡng cỏ non, nước miếng, có khi thêm chút rượu. Dế chiến thường ở trong hang, phải lấy que thọc hoặc đổ nước cho dế bò ra. Các trận chiến có thể diễn ra khắp nơi với đủ hỉ, nộ, ái, ố mà cũng rất dễ quên bởi cái hồn nhiên chân quê của lũ nhỏ. Chiến thắng có thể là miếng đường, cái kẹo, củ khoai lang, cái cốc đầu, cái búng tai, búng mũi… Khi bắt dế, lũ dế mái thường được tha bổng trừ khi gặp mấy đứa nhà có nuôi chim, nuôi sáo.
Rời thành phố, những chú dế với tiếng gáy ran trời kiêu hãnh và khiêu khích cứ xa dần… Ở quê, dế ngày càng hiếm bởi thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Bây giờ người ta phải nuôi dế như nuôi gà, nuôi vịt.
Trẻ con người Khmer ở Campuchia hình như không biết chơi dế? Với họ, dế là món ăn bình dân. Các bác sĩ còn bảo dế là thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng mà không có cholesteron. Người Khmer rất thích ăn côn trùng, từ dế, cào cào, châu chấu, nhền nhện, điên điển, cà cuống, bò cạp, trứng kiến… Mùa nào thức nấy. Việc săn dế rất đơn giản nên nhà nhà săn dế, người người săn dế.
Săn dế trước hết phải có bình ắc-quy hoặc máy phát điện nhỏ, tùy quy mô mà sắp xếp bẫy. Cứ có chỗ trống là đặt. Nhà ít thì đặt vài ba bẫy. Nhà nhiều thì hàng chục, thậm chí cả trăm. Bẫy gồm một bóng đèn neon dài 1,2m và phải là ánh sáng màu tím mới hút dế. Vật dụng tiếp theo là nylon trắng, mỗi bẫy tốn khoảng 3,5 – 4m. Nylon trắng phủ lên đèn neon tím, nếu để thẳng thì bên dưới có hồ nước cũng làm bằng nylon. Nếu để hình chữ A thì hai bên mép dưới cuộn lại để đựng nước. Bị đèn quyến rũ, dế dành nhau bay vào, đụng vách nylon, rơi xuống dưới nước lóp ngóp. Cứ thế vớt lên cho vào rọ, thương lái đến mua tận nhà. Giá cả tùy mùa, tùy chất lượng. Lớp để nhà ăn, lớp chiên bán lẻ, lớp bỏ sỉ. Có đêm, riêng Kampong Thom săn được cả mấy tấn, xuất khẩu qua Thái. Săn dế muốn trúng đậm phải gặp đêm trời tối, đứng gió, dế mới thích ra ngoài và sập bẫy. Gặp trời mưa, gió lạnh, dế trốn hết vào hang, cả đêm chỉ lèo tèo vài con dại dột.
Người Khmer ăn dế và côn trùng rất đơn giản. Chủ yếu là chiên giòn. Ăn vã, ăn với cơm hay nhậu cũng được. Thật ra dế có thể chế biến hàng chục món: nướng, chiên giòn, xào mì, xào dừa, nhồi thịt, nhồi đậu phộng (trong bụng), cuốn bánh tráng… Tùy món mà có gia vị phù hợp.
Mới ăn lần đầu, ai cũng thấy hơi ghê ghê, nhưng hễ ăn là ghiền. Nếu chưa quen thì mua lẻ từng con, từng chục. Quen miệng thì mua theo lon, theo ký. Đi du lịch Campuchia, khám phá Angkor kỳ bí mà chưa ăn côn trùng, ăn dế thì chưa trọn vẹn. Nếu thích cảm giác lạ, du khách cứ chờ đèn lên, ra ruộng săn dế rồi về tự chế biến và thưởng thức chiến lợi phẩm, cũng là thú ăn chơi độc đáo mà chỉ xứ Chùa Tháp mới có.
Bài & ảnh: Nguyễn Văn Mỹ / Thanh Niên
Bình luận (0)