Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mua tạm trữ gạo: Nên học theo Thái Lan

Tạp Chí Giáo Dục

Việc thu mua tạm trữ gạo vụ hè thu đang diễn ra, nông dân vẫn kêu không lãi trong khi DN phải trả giá cao cho thương lái.

Ngày 10-7, các DN bắt đầu mua 500.000 tấn gạo vụ hè thu để tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ. Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 10-7 đến hết 10-8.
Theo thông tin báo chí, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết việc thu mua tạm trữ lần này đã khiến giá lúa ở các tỉnh ĐBSCL bắt đầu tăng. Cụ thể, giá lúa khô thu mua tại nhà máy từ 5.100 đồng đến 5.300 đồng/kg, tăng 200-450 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7. Giá gạo nguyên liệu cũng tăng 200-300 đồng/kg.
Giá bán tại ruộng “án binh bất động”
Ông Lê Văn Khê ở ấp Bình Hưng 2, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang) kể: “Tôi mới bán lúa hai ngày nay với giá 4.500 đồng/kg lúa tươi, giống gạo hạt dài OM 4218. Nếu chiết tính thì một công đất tôi lời 700.000 đồng/công. Với mức lời này thì tôi vẫn còn lỗ hơn so với việc cho mướn đất. Giá lúa mà tôi vừa bán nó đã có từ hơn nửa tháng nay chứ không phải từ lúc thu mua tạm trữ mới tăng”.
Ông Nguyễn Văn Em ở ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) thì cho biết: Đúng là trước đây khoảng hai tháng, giá lúa IR 50404 chỉ ở mức 3.900 đồng/kg lúa tươi. Khi một số nơi bước vào thu hoạch lác đác thì giá lúa có tăng lên 4.200 đồng/kg nhưng giá thu mua này cũng xuất hiện cách nay hơn nửa tháng, chứ không phải bắt đầu từ ngày 10-7.

Thu mua lúa hè thu tại ruộng ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, Cần Thơ.
Ảnh: GIA TUỆ
Ở Hậu Giang, cuối tuần vừa qua, giá lúa thường chỉ vào khoảng 4.100-4.200 đồng/kg, vào đầu tuần này nhích lên khoảng 100-200 đồng/kg tùy theo địa bàn và tùy theo vị trí thương lái vận chuyển lúa từ ruộng ra ghe. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, mức giá này tăng không đáng kể và không đảm bảo việc lãi 30% vì chi phí sản xuất quá cao.
DN mua giá cao từ thương lái
Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, hiện DN đang thu mua theo chương trình tạm trữ với mức giá trên 5.200 đồng/kg, tính ra giá gạo là trên 7.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với khi chưa có chính sách thu mua tạm trữ. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An (Cần Thơ), cho biết công ty mua lúa hạt dài với giá 5.500-5.600 đồng/kg. Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, cũng khẳng định thông tin của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là hoàn toàn chính xác về giá lúa, gạo tăng.
Tuy vậy, thực chất giá lúa tăng là tăng tại nhà máy, do DN thu mua từ thương lái. Các DN được người viết hỏi đều khẳng định điều này. “Thương lái đi thu mua chi phí họ mất chỉ 50 đồng/kg, còn DN nếu tự đi thu mua thì chi phí mất gấp đôi mà không thể đủ nhân lực để thu mua trải rộng nhiều vùng như thương lái” – ông Tuấn nói. Ông Linh cũng cho rằng muốn tháo gỡ mắt xích thương lái trong điều kiện mua bán lúa gạo hiện nay là bất khả thi.
Nhà nước nên trực tiếp thu mua
“Nhà nước phải trực tiếp thu mua trợ giá gạo thì nông dân mới hưởng lợi thật sự, đồng thời phải hỗ trợ DN trong việc trữ và xuất khẩu. Nếu để “kịch bản” như mọi năm thì DN làm đúng vẫn mang tiếng “ác”, nông dân vẫn kêu, thành thử chính sách thì tốt nhưng không hiệu quả” – GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nhận định.
Ông Lâm Anh Tuấn nêu hai phương án: Phương án một, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trên sản lượng đầu tấn lúa thu hoạch hoặc trên diện tích trồng nhưng phương án này nước ta không làm nổi vì con đường để tiền đến túi nông dân rất phức tạp. Phương án hai gần giống với Thái Lan. Chẳng hạn, mức giá gạo được định ra là 430 USD/tấn, Nhà nước sẽ thu mua trực tiếp từ nông dân với mức giá đó. Sau đó, DN sẽ đăng ký để mua lại, Nhà nước vẫn bán đúng mức 430 USD/tấn. Nếu sau ba tháng tạm trữ, giá bán xuống dưới mức 400 USD/tấn thì phần lỗ Nhà nước chịu. Điều này đã bàn vào bàn ra mọi năm nhưng đều không thực hiện được.
Đồng ý với ông Tuấn, GS Võ Tòng Xuân cho rằng cách thu mua tạm trữ như mọi năm là không hiệu quả. “Việt Nam nên học tập cách tạm trữ kiểu Thái Lan, bằng cách Nhà nước nhận lúa, đưa tiền bằng ngân phiếu trước cho nông dân, khi nào giá cao thì nông dân vẫn được trả ngân phiếu lại cho Nhà nước và lấy gạo ra bán với giá cao theo thị trường. Cái mới của phương pháp này là vẫn hỗ trợ DN về lãi suất để họ có thể thu mua, kích cầu xuất khẩu, lại giải phóng được hàng tồn, lưu thông thị trường”.
Lo hàng tồn, tốn phí
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, nói: “Mục đích của chính sách thu mua tạm trữ là kéo giá lúa lên. Theo chính sách, DN cũng hưởng lợi vì được hỗ trợ lãi suất 0% trong ba tháng. Thật sự sau khi mua tạm trữ, chúng tôi phải lo thị trường, lời lỗ tự chịu. Nếu quá ba tháng mà vẫn không bán được hàng thì lại phải tốn thêm chi phí tái chế vì gạo ba tháng nếu để lâu sẽ mất chất lượng”.
Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Gạo Vinh Phát, cũng lo lắng: “Đợt mua tạm trữ vụ đông xuân còn tồn kho lớn. Chẳng sung sướng gì vì mua vào rồi phải lo ngay ngáy chuyện bán gạo được hay không”.
Lời hay lỗ?
Nếu theo cách tính giá lúa vụ hè thu của Bộ Tài chính ở mức 3.900-4.000 đồng/kg thì với mức giá 5.200 đồng/kg ở thời điểm này thì chắc chắn nông dân đã có lãi trên 30%.
Ông LÂM ANH TUẤN,
Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát
Bộ Tài chính đã công bố mức giá thành bình quân sản xuất lúa vụ hè thu năm 2012 tại các tỉnh ĐBSCL là khoảng 3.993 đồng/kg. Liệu giá sàn này đã tính đúng chi phí mà nông dân bỏ ra hay chưa, vì sao năm nào họ cũng đều kêu giá quá thấp? Ta cần lập một hội đồng thẩm định giá, am hiểu về nông nghiệp, có khảo sát điều tra chi phí từ nông dân để có một mức giá hợp lý.
GS VÕ TÒNG XUÂN
QUANG HUY (PL)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)