Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Mùa Tết – mùa nhang

Tạp Chí Giáo Dục

Không khí sản xuất nhang tại các cơ sở ở Q.Bình Tân và huyện Bình Chánh – TP.HCM những ngày giáp Tết đang rất nhộn nhịp, khẩn trương. Mọi mảnh đất trống trong vườn, trước ngõ đều phủ kín nhang phơi.

Tại cơ sở của gia đình  anh  Nguyễn Văn Quỳ – chị Phan Lệ Bình ở khu phố 1- Tỉnh lộ 10 – Q.Bình Tân, những kiện nhang thơm được đóng gói chất đống, chờ chở đi giao thương lái. Anh Quỳ nói: “Dịp Tết, người ta thắp nhang nhiều nên nhu cầu nhang rất lớn, phải tranh thủ làm”.

Trước đây, người làm nhang thủ công phải mua tre về chẻ tăm, trộn bột nhang và để se được cây nhang đều tăm tắp, người làm phải ngồi miệt mài từ ngày này sang ngày khác. Se xong còn phải lăn trên bàn lăn cho đều hơn, đẹp hơn, rồi hong khô, mất rất nhiều thời gian. Ngày nay, do nhu cầu đốt nhang đẹp, có hương trầm, hương quế nên chẻ tăm tre và trộn bột phải dùng máy. Thay vì phải làm mười công đoạn thủ công thì giờ chỉ còn năm. Chi phí tăng lên nhưng công suất cũng tăng, chỉ cần trộn một lần bột với keo rồi đưa vào máy. Riêng công đoạn phơi nhang vẫn thủ công.
Cơ sở của anh Quỳ – chị Bình đã ra đời hơn 10 năm, có năm người làm và hai máy làm nhang, ngày thường làm khoảng  30 – 40 thiên (một thiên = 1.000 cây), cận Tết tăng lên 60 – 70 thiên. Anh Quỳ cho biết: “Cơ sở nhỏ nên chúng tôi chỉ xài bột áo loại thường, giá 75.000đ/bao. Các loại bột tùng, bột trầm, bột quế thơm hơn nhưng mắc hơn (từ 300.000đ – 450.000đ/bao), có khách hàng đặt mới làm. Do đó, giá nhang cũng khác nhau”.
Cơ sở Đại Thành tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có trên 15 lao động (chủ yếu là nữ), những ngày này cũng đang miệt mài bên những máy làm nhang. Anh Linh – quản lý cơ sở cho biết, Đại Thành chỉ làm theo mối đặt thường xuyên, một ngày sản xuất trung bình từ 200 – 300 thiên, gần Tết số lượng tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Chị Lê Hoa – người làm nhang thuê đã ba năm, tâm sự: “Nghề này ăn theo sản phẩm. Một thiên, tùy kích cỡ nhang, chủ trả từ 3.500đ – 5.000đ. Mỗi ngày tôi làm được khoảng 30 thiên, kiếm được 100.000đ  – 150.000đ”.
Ông Võ Văn Mười – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cho biết: “Nghề làm nhang ở xã đã có gần 20 năm, hiện có khoảng 100 hộ làm nhang (phần lớn là làm theo hộ gia đình), tập trung chủ yếu ở ấp 2, ấp 3. Đây là nghề giải quyết được hàng ngàn lao động ở địa phương, chủ yếu là lao động nhàn rỗi vì người già, trẻ nhỏ cũng có thể làm được. Từ năm 2000, tất cả các hộ làm nhang bằng tay đã chuyển sang làm bằng máy. Một máy làm nhang từ 8 – 14 triệu đồng. Để giúp các hộ gia đình có vốn để mua nguyên liệu, mua máy, Hội Nông dân đã phối hợp với Liên minh hợp tác xã và Ngân hàng chính sách hỗ trợ vay vốn không lãi, giúp bà con an tâm sản xuất”.
Nói về vấn đề sức khỏe của những lao động làm nhang, bác sĩ Trịnh Hồng Lân – Trưởng khoa Sức khỏe lao động và bệnh nghề nghiệp – Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho biết: “Trước đây, khi làm bằng thủ công, người  làm nhang phải tự trộn bột khô, bụi bặm nên dễ mắc các bệnh về tai mũi họng, hô hấp… Giờ trộn bột bằng máy, bột ướt, các cơ sở sản xuất lại chủ yếu làm bằng hương liệu tự nhiên, điều kiện làm việc tốt hơn nên sức khỏe của người lao động  cũng đảm bảo hơn nhiều”.
Quỳnh Mai / Phụ Nữ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)