Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mùa thi qua đi đôi điều đọng lại

Tạp Chí Giáo Dục

Đã qua ri nhng ngày thi THPT quc gia: An toàn, nghiêm túc, nh nhàng (theo ni dung công b ti bui hp báo thông báo kết thúc công tác coi thi ca k thi THPT quc gia năm 2019 do B GD-ĐT t chc chiu 27-6) đúng như k vng ca các nhà lãnh đo và qun lý giáo dc. Hin gi tt c đu có th yên tâm phn ln v k thi…

 

Ở đây xin nhìn lại những điều vẫn hoài trông thấy mỗi mùa thi về, dù đã trải qua chặng đường dài cả về thời gian và sức chịu đựng của cả xã hội với một kỳ thi nhiều mục tiêu và liên tục chỉnh sửa về mặt kỹ thuật suốt hàng chục năm qua nhưng lại có gì không thật mới theo Nghị quyết 29-NQ/TW 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS…”.

1.Đó vẫn là cuộc “chạy marathon” của các em HS về ôn luyện bắt đầu vào những ngày ở lớp 10, rộn ràng năm lớp 11, ráo riết năm lớp 12 và quyết liệt trong những tháng trước thi (chính xác là một hình thức học thêm vì HS cho rằng những kiến thức mà mình thu thập được tại nhà trường chính khóa là không đủ, dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT luôn khẳng định “nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT quốc gia, chủ yếu là chương trình lớp 12”), tự nguyện ép mình vào trong những lò luyện thi “chật như hộp cá mòi”, “nóng như lò bánh mì”, “ồn như sân bóng đá” ở các đô thị lớn, nơi có các trường ĐH “tiếng tăm”, hầu mong cố vội vàng nhồi thêm một mớ kiến thức nào đấy gọi là “bổ sung nâng cấp” nhiều khi nó làm cho cơ thể thêm “ốm o gầy mòn”, gây nên những căng thẳng tâm lý… Là kỳ thi quốc gia quan trọng nhất thời HS, là cơ hội để chứng minh mình đủ sức đạt được ước mơ cũng như sự kỳ vọng của nhiều người, việc chọn trường, chọn đúng nguyện vọng, luôn tâm niệm phải thi đỗ để bố mẹ vui lòng với tâm lý hồi hộp, lo lắng… thậm chí run sợ trước kỳ thi thì áp lực lớn vẫn còn hiện hữu như trước nay đã diễn ra. Kỳ thi được ví như “đấu trường sinh tử” quyết định tấm vé thông hành vào ĐH nên chưa có giai đoạn nào HS phải chịu áp lực học tập và thi cử như bây giờ. Đây thực sự là vấn đề rất bức xúc mà các nhà quản lý giáo dục phải lưu tâm nhiều hơn để tháo gỡ.

2. Đó vẫn là “cơn mưa” truyền thông suốt nhiều tháng trước ngày thi làm tốn hao không biết bao nhiêu giấy mực (đặc biệt là vụ xử lý tiêu cực trong thi cử năm 2018); với những phát ngôn của các vị lãnh đạo ngành, quản lý ở địa phương, thầy cô ở nhà trường… dội về liên tục trong một thời gian dài với các thông tin về nỗ lực chống gian lận thi; có hay không lắp camera trong phòng thi; các câu hỏi với độ khó cỡ nào cho phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi; đề thi sẽ có các câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn mức độ nào để phát huy khả năng sáng tạo của thí sinh; tình trạng lộn xộn có thể xảy ra trong bài thi tổ hợp (mà thực tế là bài liên hợp 3 môn – ghép cơ học các môn)… Công an các địa phương phối hợp với các sở GD-ĐT về việc chú ý, cách thức phát hiện các hệ thống gian lận thi cử bằng công nghệ cao như camera, ghi âm, ghi hình… Gần đến ngày thi tại cuộc họp đánh giá công tác chuẩn bị kỳ thi, người đứng đầu ngành giáo dục yêu cầu toàn ngành tập trung cao độ, chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức kỳ thi…, các sở GD-ĐT địa phương cũng cho biết vẫn cảm thấy “căng” và “tập trung hết sức”…  Đó cũng là sức ép tâm lý rất lớn cho thí sinh khi vào phòng thi, tâm trạng hồi hộp và lo lắng trước các thông tin “người lớn” quyết chống gian lận trong thi cử nên ngoài các biện pháp kỹ thuật trong tổ chức coi thi, chấm thi thì lo ngại đề thi năm nay sẽ có khả năng khó hơn các năm trước đó là điều không tránh khỏi. Các thông tin bủa vây và dồn dập càng khiến thí sinh cảm thấy căng thẳng và áp lực tâm lý nặng nề.

3. Đó vẫn là hình ảnh của các vị phụ huynh với sự kỳ vọng cao của gia đình mang nỗi lo âu vô tận luôn thường trực trước ngày thi và khi con đi thi. Tuy hiện nay trường thi thường ở gần nhà, nhiều thí sinh còn dự thi ngay chính trường THPT mình học, nên đi thi không khác nhiều đi học hàng ngày, nhưng nhiều cô cậu thanh niên 18 tuổi này vẫn được cha mẹ đưa đón đi thi, “cơm đường, cháo chợ”, bồn chồn không yên, ăn mặc như Ninja để chống lại nắng nóng ngoài cổng trường ngóng chờ con suốt buổi thi. Các bậc phụ huynh này quên rằng bởi do cha mẹ càng lo lắng, căng thẳng thì càng gây áp lực cho con. Chính các áp lực tưởng như rất bình thường này của các bậc phụ huynh đã mang đến hậu quả không hay về tâm lý, khiến nhiều HS càng rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo lắng, stress…

4. Đó vẫn là muôn vàn tâm trạng của số giáo viên được phân công làm giám thị trong kỳ thi mà khi làm nhiệm vụ thi không chỉ áp lực mà áp lực càng gia tăng kể từ sau “dư âm” vụ gian lận thi cử trong kỳ thi năm 2018 mà chỉ khi mình trở thành người “đứng mũi chịu sào” của kỳ thi trọng đại đó mới thấu hiểu câu “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Có tự hào không? Sao không? Đâu phải ai cũng “được chọn” để làm công tác coi thi, chấm thi. Chuyện coi thi tưởng chừng đơn giản yêu cầu thực hiện đúng hướng dẫn đã được tập huấn và theo lý thuyết thì “lý thuyết không khác với thực tế là mấy” nhưng trên thực tế thì “thực tế khác xa lý thuyết vô vàn”. Phải thật sự khi bắt tay vào tiến hành coi thi mới biết diễn biến của thí sinh trong phòng thi và các tình huống xảy ra nhiều khi khá phức tạp không hoàn toàn như tiên lượng. Giáo viên phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, nắm chắc quy chế thi, thực hiện đúng quy trình, đúng nhiệm vụ để kết quả kỳ thi là những “sản phẩm” đúng với chất lượng phù hợp với tiêu chí mà ngành giáo dục đã đề ra. Nội quy coi thi như là “chiếu chỉ”, chỉ có quyền làm đúng (không được khen), không được làm sai (vì đâu có cơ hội để sửa sai). Để làm được điều đó, khi bước vào kỳ thi sẽ phải làm việc tập trung, hết trách nhiệm của mình làm sao để ngăn ngừa ngay từ đầu những hành vi tiêu cực để nó không diễn ra nơi phòng thi của mình là điều không hề đơn giản. Coi thi thì áp lực cũng không khác khi đi thi là bao nhiêu, thậm chí căng thẳng cũng không kém các thí sinh.

Thiết nghĩ tới đây với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông “những điều trông thấy” từ mùa thi sẽ thật sự mới trên toàn bộ những “đối tượng” có liên quan: HS với những năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo… các em sẽ đón nhận kỳ thi với một tâm thế chủ động nhất và không thấy nhiều áp lực; phụ huynh có nhận thức tốt trong quá trình giáo dục con cái thể hiện trong việc để con tự sắp xếp việc học, tự lập kế hoạch và thực hiện mục tiêu cho từng chặng đường phấn đấu của mình, biết giúp con tự lập để tạo sự tự tin, tự chủ và tự chịu trách nhiệm và bớt lo toan khi con “phải thi”; các phương tiện truyền thông đưa tin về kỳ thi bình thường với liều lượng vừa phải như nó vốn phải có để tạo tâm lý nhẹ nhàng đón nhận của HS nhằm đạt kết quả tốt nhất như mong đợi; đó là giảm bớt những áp lực căng thẳng đối với cán bộ coi, chấm thi để thầy cô tham gia công tác với tâm trạng bình thản làm tốt chức trách của mình… Nên trả lại đúng chức năng của kỳ thi trên tinh thần “mục đích của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá năng lực HS sau 12 năm”, … sẽ “nhẹ nhàng, không gây áp lực”…, “… kỳ thi không quá nặng nề, tránh tâm lý áp lực và những lo lắng thái quá”… như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019.

5. Đó vẫn là thời gian với tinh thần căng thẳng ngày càng cao độ của giám khảo. Nhiệm vụ chấm thi luôn được phía thầy cô xem là một trách nhiệm nhưng rất vất vả, nặng nề, còn phía lãnh đạo xem là khâu có khả năng phát sinh tiêu cực và để hạn chế tối đa việc gian lận có thể xảy ra nên khu vực chấm thi được thiết lập trên tinh thần “bảo đảm an toàn tuyệt đối” như là “vùng xanh”, đúng như nghĩa đen của nó, là nơi “được bảo vệ nghiêm ngặt, người đứng bên ngoài không thể nhìn được vào bên trong, nơi mọi người không có trách nhiệm không thể vào, thậm chí không được đi qua khu vực này, một nơi hoàn toàn biệt lập” và giám khảo chấm thi không được mang điện thoại di động, vật dụng cá nhân, kể cả bút viết, camera giám sát hoạt động 24/24 giờ…, thậm chí có nơi còn lên kế hoạch phá sóng điện thoại khu vực chấm thi, cách ly toàn bộ giám khảo trong hơn một tuần chấm thi… gây không khí ngột ngạt và tinh thần luôn “căng như dây đàn”.

Trần Đăng Huy (Cần Thơ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)