Những ngày đầu thu tháng 8, Hà Nội nóng đến nao người. Con người cũng “héo” chứ đừng nói cây cỏ. Thế nhưng, những người con của thủ đô từng vào sinh ra tử, từng có những phút giây làm nên lịch sử, người trẻ nhất còn sống giờ cũng 89 tuổi, người già nhất đã 100 tuổi, họ vẫn hăng hái, vẫn đầy nhiệt huyết để chia sẻ với thế hệ sau ký ức không phai của mình.
Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và Quốc khánh 2-9 như một dấu son, để những con người ấy có nghị lực phi thường cất lên những tiếng nói hào sảng và mong cháu con nhớ được cái giá của hòa bình.
Ông Lê Đức Vân (phụ trách thành Hoàng Diệu):
Ông Lê Đức Vân |
Mấy chục năm nay, anh em chúng tôi chọn ngày 17-8 để kỷ niệm Cách mạng tháng 8. Trước ngày 17-8 phong trào Việt Minh đã lớn mạnh. Đã có nhiều hoạt động diễn thuyết công khai nơi đông người để đả đảo Chính phủ bù nhìn, ủng hộ Việt Minh. Vì vậy, gần như người Hà Nội đã ngả sang ủng hộ Việt Minh. Những ngày đó, phong trào trừ gian, trừ mật thám cũng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, để lấy lại tinh thần, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ngày 17-8 ở Nhà hát Lớn. Tất cả chúng tôi được lệnh cũng tham gia mít tinh nhưng mục đích là phá cuộc mít tinh đó, biến thành cuộc mít tinh của mình. Mỗi người cầm theo một lá cờ nhỏ. Một tổ 3 người được giao nhiệm vụ cướp diễn đàn, giữ micro kêu gọi người dân ủng hộ Việt Minh. Cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim bị phá vỡ, cờ đỏ sao vàng được giương cao, không khí người dân phấn khích ủng hộ Việt Minh vốn tự phát thành một cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh qua các phố phường Hà Nội. Đi đến đâu, dân chúng hò hét đi theo đến đó, hô vang “đả đảo bù nhìn”, ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập. Với cuộc mít tinh đó, toàn bộ người dân Hà Nội đã xuống đường ủng hộ Việt Minh, thời cơ đã đến, ngay tối 17-8, Xứ ủy Hà Nội quyết định tổng khởi nghĩa. Đó là một quyết định sắc bén, sáng suốt của Hà Nội. Khởi nghĩa diễn ra không sớm, không muộn và thành công.
Cụ Lê Thi (con gái của nhà cách mạng Dương Quảng Hàm):
Chủ tịch UBMTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân tặng quà cho cụ Lê Thi |
Tôi là người được giao nhiệm vụ kéo cờ ở Quảng trường Ba Đình trong Lễ Quốc khánh 2-9 đầu tiên. Khi được giao nhiệm vụ đó, tôi lo lắm vì chưa được tập. Đầu tháng 8-1945, tôi chính thức tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm cán bộ Hội Phụ nữ Hoàn Kiếm với nhiệm vụ đi vận động phụ nữ góp tiền, của để gửi cho cách mạng. Ngày 17-8-1945 tôi đã vận động hàng trăm phụ nữ tham gia lễ mít tinh ủng hộ Việt Minh và yêu cầu Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim làm lễ hạ cờ để treo cờ Việt Minh. Và đến ngày 19-8-1945 tôi lại cùng hàng vạn người dân thủ đô tham gia giành chính quyền tại Hà Nội.
Khi cách ngày 2-9-1945 khoảng hơn 1 tuần, tôi nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang để chờ đến ngày trọng đại, trong khoảng thời gian đó chúng tôi vừa vui mừng, vừa hồi hộp. Mặc dù chiều mới đến giờ tập trung, nhưng từ 9 giờ sáng ngày 2-9-1945, tôi đã cùng chị em phụ nữ tập trung đông đủ tại Hàng Bông, khoảng gần 100 người. Sau đó, họ đi bộ qua Cửa Nam xuống đường Điện Biên Phủ để tiến vào Quảng trường Ba Đình. Lúc đó, tôi vẫn còn nhớ rất rõ, Quảng trường Ba Đình là một bãi cỏ rất rộng, khoảng hơn chục ngàn mét vuông, ở chính giữa đã có một lễ đài cao khoảng 4m, rộng hơn 5m được làm bằng gỗ, phủ vải bên ngoài và được trang trí rèm lượn sóng rất đẹp. Chính giữa lễ đài có một chiếc cột cờ cao khoảng 10m. Phụ nữ chúng tôi hôm đó, ăn vận áo dài trắng, quần trắng, riêng tôi cầm trên tay một cây gậy bằng gỗ, trên đường đi vào quảng trường vừa đi vừa hô 1,2…1,2… đi đều bước. Đến khoảng 13 giờ 30, ngày 2-9-1945 thì Quảng trường Ba Đình không còn một chỗ trống, hàng vạn người dân của thủ đô và vùng lân cận đều đổ về đây, ai cũng háo hức chờ đến giờ Bác Hồ xuất hiện. Trong lúc mọi người đang chờ đợi giây phút quan trọng thì thấy một đồng chí trong Ban tổ chức đi về phía Hội Phụ nữ Hoàn Kiếm và nói: “Tôi yêu cầu đồng chí Thi lên tham gia kéo cờ trên lễ đài”. Dù đã chuẩn bị trước nhưng lúc đó, tôi vẫn hoang mang, lo lắng vì sợ mình không làm nổi, nhỡ có điều gì thì không biết xử lý như thế nào trong một ngày trọng đại như vậy. Khi lên tới lễ đài, tôi đã thấy một chị mặc trang phục dân tộc Tày, hai tay đang nâng lá cờ Tổ quốc màu đỏ có hình sao vàng năm cánh đứng nghiêm trang cạnh chiếc cột cờ cao khoảng hơn 10m. Thấy vậy, tôi vội vàng nói với chị phụ nữ đang nâng cờ: “Chị để em kéo cờ nhé”. Tôi vừa dứt lời, thì tiếng hát của bài Quốc ca vang lên và lá cờ Tổ quốc cũng từ từ được kéo lên trong tiếng Quốc ca của hàng vạn người có mặt tại quảng trường. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Khi thấy lá cờ Tổ quốc đã được kéo lên trên đỉnh cột cờ, bay phấp phới trong gió, lúc đó nước mắt tôi bỗng ứa ra vì xúc động, xen lẫn niềm tự hào. Trên lễ đài, tôi được nhìn thấy Bác Hồ rõ hơn trong bộ kaki giản dị…
20 năm sau, tôi mới biết người tham gia kéo cờ cùng mình hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Mãi đến ngày 2-9-1997, tôi mới được gặp lại chị Loan tại Quảng trường Ba Đình, rồi lại bẵng đi một thời gian hai chị em cũng không gặp nhau. Và đến năm 2010 thì chị Loan mất.
Mít tinh ngày 17-8-1945 tại Nhà hát Lớn Hà Nội |
GS. Phan Huy Lê:
Khi Cách mạng tháng 8 diễn ra, tôi mới chỉ là một thiếu niên 11 tuổi. Sự có mặt của các cụ hôm nay đã giúp chúng ta sống lại thời kỳ cách mạng hào hùng của dân tộc. Với tư cách là một nhà sử học, để nghiên cứu Cách mạng tháng 8, các nhà làm sử phải dựa vào nhiều nguồn tư liệu, trong đó hồi ức sống động của các cụ là một nguồn tư liệu sống. Theo quy luật, những nguồn tư liệu sống sẽ ngày càng thưa thớt dần. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có cả một phương pháp luận để tìm ra những dữ liệu lịch sử chính xác nhất.
Cách mạng tháng 8 có 2 giá trị: Thể hiện sức mạnh quật khởi của cả dân tộc, chính vì vậy chính quyền của Trần Trọng Kim, sau này là chính quyền Nhật hoàn toàn không chống đối. Đây là trang sử huy hoàng nhất của mặt trận Việt Nam. Chưa bao giờ mà chúng ta phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lớn lao như trong Cách mạng tháng 8. Thứ hai, đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ. Đây không phải là cuộc đấu tranh bình thường, đó là cuộc đấu tranh giành chính quyền, tất cả là do Bác Hồ chỉ đạo. Ngay từ đầu, Bác đã nhìn ra được thời cơ, chuyển hướng sang cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thành lập Việt Minh là một sáng kiến vĩ đại. Nhận ra thời cơ, chớp thời cơ là thiên tài cách mạng của Bác Hồ, cùng với đó là đưa ra chiến lược, sách lược để chỉ đạo nhân dân đấu tranh.
Thiên Lam
Bình luận (0)