Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Mưa trái mùa kéo dài đến cuối tuần

Tạp Chí Giáo Dục

 Ngày 19.12, trao đổi với PV Thanh Niên Online, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng dự báo – Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết không khí lạnh kết hợp với họat động của rãnh áp thấp và các nhiễu động trong đới gió đông gây ra đợt mưa trái mùa ở miền Nam từ ngày 14.12 đến nay.


Ảnh mây vệ tinh cho thấy các nhiễu động trong đới gió đông gây ra đợt mưa trái mùa ở miền Nam. Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nhiều nơi đã có mưa to với lượng mưa từ 50 – 80 mm làm cho bà con nông dân vô cùng lo lắng cho hoa, dưa hấu vụ tết và vụ lúa đông xuân vừa gieo sạ.

Mưa nhiều nhất là tại tỉnh Kiên Giang, như đảo Thổ Chu 204 mm, Phú Quốc 93mm, trên đất liền tại Giồng Riềng 76 mm, Rạch Giá và Hà Tiên 69 mm, Tân Hiệp 36 mm. Tỉnh Cà Mau tại U Minh 83 mm, Cà Mau 21 mm; tỉnh An Giang mưa nhiều tại Châu Đốc 34 mm.  Miền Đông có mưa to ở Bình Dương và Tây Ninh, từ 30 – 60 mm. 
Thời tiết miền Nam chịu tác động bởi không khí lạnh tăng cường sâu xuống phía nam kết hợp với các nhiễu động đới gió đông, nên từ nay đến cuối tuần vẫn còn mưa trái mùa, vùng ven biển Cà Mau, Kiên Giang có nơi mưa vừa mưa to, các nơi khác chủ yếu là mưa nhỏ.  Ban ngày trời có lúc giảm mây nhưng hầu như ít nắng.  Đêm về sáng trời trở lạnh và sương mù khá nhiều. Sau đó, mưa giảm và nhiệt độ tăng nhẹ.
Ngược lên phía Bắc, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, trong 5 ngày vừa qua (15 – 19.12) ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã xuất hiện rét đậm, rét hại trên diện rộng, một số nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ như: Sìn Hồ -0,9 độ; Mẫu Sơn -1,1 độ; Khu vực vùng núi phía Bắc đã xuất hiện mưa tuyết, băng giá và sương muối.
Hiện tại khối không khí lạnh vẫn còn hoạt động mạnh và liên tục được bổ sung, vì thế trong 3 – 5 ngày tới ở Bắc bộ tiếp tục xuất hiện rét đậm, rét hại trên diện rộng; ở các tỉnh vùng núi phía Bắc cần đề phòng băng giá và sương muối.
Vùng biển vịnh Bắc bộ duy trì gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh ven biển Trung bộ và khu vực biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; Sóng biển cao từ 2 – 4m. Biển động mạnh.
Vùng biển phía Nam, bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa có mưa rào và giông mạnh, trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy mạnh.
theo TNO

 

Bình luận (0)