Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mùa tựu trường: Cảnh giác với các loại dịch bệnh lây lan

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường TH Võ Trường Toản (Q.10) mua hàng tại căng tin. Ảnh: Hòa Triều

Năm học mới đã bắt đầu, hơn 1,4 triệu HS tại TP.HCM trở lại trường cũng là thời điểm của nhiều dịch bệnh. Với sĩ số 40-50 HS/lớp, mỗi trường có vài trăm đến vài ngàn HS nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
“Ở trường học, dịch bệnh tăng theo cấp số nhân. Chỉ một HS mắc bệnh có thể lây cho 10, 100 thậm chí là cả ngàn HS khác. Nguyên nhân là do sĩ số HS đông, các em thường xuyên đùa giỡn với nhau trong khi khuôn viên nhà trường, diện tích lớp học chỉ có giới hạn”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM khẳng định.
PV: Xin bác sĩ cho biết, những dịch bệnh nào thường xuất hiện trong mùa tựu trường?
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm: Theo Bộ Y tế thì hiện nước ta có 26 dịch bệnh cần phải kiểm soát. Tuy nhiên có 4 dịch bệnh mà các trường học cần đặc biệt quan tâm, bởi những dịch bệnh này thường xuyên xảy ra với mức độ lây lan nhanh.
Trước tiên phải nói đến dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Mùa tựu trường trùng với mùa mưa – là thời điểm thuận lợi cho lăng quăng, muỗi phát triển gây bệnh SXH. Theo thống kê hàng năm thì cao điểm của dịch SXH là tháng 9, 10 và 11. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 3.000 trường hợp nhập viện. Trong đó số HS mắc bệnh chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Tay chân miệng (TCM) cũng là một bệnh xảy ra trong mùa tựu trường. Đặc biệt là năm nay, dịch bệnh không giảm theo chu kỳ xảy ra liên tục. TCM thường gặp ở trẻ nhà trẻ, mẫu giáo với diễn tiến rất nhanh và nguy hiểm. Năm 2008 có 18 trường hợp tử vong, năm 2009 là 5 trường hợp, 8 tháng đầu năm 2010 có 1 trường hợp.
Dịch tả cũng rất đáng lo ngại, từ đầu năm đến nay toàn thành phố có 16 ca tả. Trong đó có 1 ca gần nhất được phát hiện vào ngày 22-8, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới. Tả có mức độ lây lan rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn một người mắc bệnh ban đầu có thể lây cho cả ngàn người.
Cúm A/H1N1 tuy đã được Bộ Y tế hạ mức giám sát xuống mức độ 6 nhưng cũng không thể lơ là. Thời gian gần đây, tại thành phố đã xuất hiện vài ca, trong đó có một ca tử vong.
Các trường cần phải làm gì để phòng tránh dịch bệnh thưa bác sĩ?
Cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt cũng như ăn uống. Với dịch bệnh SXH, dọn dẹp các vật chứa nước để lăng quăng và muỗi không xuất hiện. Trẻ mầm non cho mặc quần áo dài, ngủ mùng. Bệnh TCM, cúm A/H1N1 lây lan qua đường hô hấp nên cần vệ sinh đồ chơi (mẫu giáo), bàn ghế, phòng học bằng các chất tẩy rửa thông thường và cả cloramin. Còn bệnh tả liên quan đến vấn đề ăn uống nên phải giáo dục HS ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
Song song đó, nhà trường cần giáo dục HS cách phòng chống dịch bệnh để khi có biểu hiện là các em báo ngay với cô giáo hoặc cán bộ y tế nhà trường. Và các em cũng ý thức trong việc giữ vệ sinh trường lớp để ngăn chặn dịch bệnh. Về phía cán bộ y tế trường học, phải biết được HS nào nghỉ học và lý do vì sao. Khi phát hiện một HS bị các bệnh truyền nhiễm cần báo với cán bộ y tế địa phương để tới trường tổng vệ sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Về phía ngành y tế thành phố đã và sẽ làm gì để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trong trường học?

Phòng chống cúm tại Trường THPT Nguyễn Khuyến năm 2009. Ảnh: Hòa Triều

Ngành y tế đã phối hợp với ngành GD-ĐT tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học cho các cán bộ y tế học đường. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, ngành y tế đã cung cấp các pano, áp phích để nhà trường dán lên cho HS tiện theo dõi. Trong tháng 8, Sở Y tế thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Theo đó các đoàn kiểm tra đã xuống các quận, huyện, phường, xã, trong đó có trường học để kiểm tra. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục xuống các trường để kiểm tra và hỗ trợ việc phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng quận, huyện phải ưu tiên cho trường học từ việc dự phòng cho đến khám chữa bệnh.
Ngoài những dịch bệnh nói trên, các trường học còn phải đối mặt với nguy cơ gì nữa thưa bác sĩ?
Hiện nay số trường bán trú ngày càng đông, số HS ăn trưa tại trường cũng tăng lên. Do đó vấn đề nhà trường cần quan tâm nữa chính là ngộ độc thực phẩm. Trong năm học qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học đã giảm đáng kể. Nhưng các trường không nên chủ quan vì nguy cơ vẫn rất lớn. Theo đó, các bếp ăn, căng tin trong trường học chỉ mua thực phẩm ở những cơ sở an toàn. Hạn chế cho HS ăn cá ngừ vì dễ gây dị ứng, ngộ độc.
Với hàng rong trước cổng trường, giáo dục HS không nên ăn vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ như ngộ độc thực phẩm, tả. Tốt nhất là phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn cấm không cho hàng rong bày bán. Và nếu có bán thì phải được ngành y tế địa phương giám sát chặt chẽ…
Xin cám ơn bác sĩ!
Hòa Triều (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)