Thời điểm này, các trường phổ thông đang bước vào giai đoạn “đua nước rút” của năm học. Giáo viên thì gọi là vào “mùa xóa yếu”. Việc phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu kém là nhiệm vụ của giáo viên. Thế nhưng, việc xóa yếu đã trở thành áp lực lớn của giáo viên bởi trường nào cũng muốn đạt thành tích tốt nhất trong báo cáo cuối năm học của đơn vị mình.
Chỉ tiêu học sinh lên lớp được đưa vào thi đua từ đầu năm học đã là một “gánh nặng” trên vai thầy cô. Không thầy cô giáo nào muốn lớp mình dạy có học sinh yếu kém, không một giáo viên nào muốn mình bị trừ điểm thi đua bởi học sinh không học chứ không phải mình không cố gắng dạy. Mặc dù chỉ tiêu thi đua đã có nhưng ban giám hiệu các trường dường như chưa an tâm nên trong những tháng cuối năm học buộc giáo viên phải đăng ký giờ dạy xóa yếu. Một đồng nghiệp của tôi bức xúc kể: “Trường dạy 2 buổi. Giáo viên phải xóa yếu sau giờ ra về chiều 45 phút. Giờ đó, cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi, làm sao dạy và học có hiệu quả. Dạy vào thứ bảy, chủ nhật thì các em đến lác đác. Điện thoại đến nhà thì có em đến học, em không. Tôi đã cố hết sức rèn các em trong giờ học nhưng các em vẫn không tiến bộ thì tôi biết phải làm sao. Tôi chấp nhận bị trừ điểm thi đua nhưng trường vẫn bắt đăng ký giờ dạy xóa yếu. Thật là chán ngán!”. Học sinh yếu thì thường yếu nhiều môn. Một học sinh học yếu văn, toán, Anh, lý, hóa…, chẳng lẽ cả tuần các em đều phải ở lại trường sau giờ về để học xóa yếu, học cả ngày không tiến bộ thì liệu mấy mươi phút như thế có ích gì? Giáo viên nào không dạy thì bị nhắc nhở trong cuộc họp hội đồng sư phạm và nếu kết quả của kỳ kiểm tra cuối năm lớp của giáo viên ấy có số học sinh dưới trung bình nhiều thì thầy cô đó không chỉ bị trừ điểm thi đua mà còn bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm. Vậy để những học sinh này đạt yêu cầu cuối năm thì phải làm sao? Cả ban giám hiệu và các thầy cô ấy đều hiểu rõ…
Không một trường học bình thường nào mà không có học sinh yếu kém. Không thể dạy thật – học thật khi cái “ảo” được tôn vinh! Để dạy thật – học thật, ngành giáo dục phải chấp nhận chuyện học sinh học yếu ở lại lớp là điều hết sức bình thường. Hãy để giáo viên xóa yếu bằng cái tâm của người thầy chứ không phải bị buộc phải vào “mùa xóa yếu”, buộc phải làm mọi cách để đạt chỉ tiêu trong mơ mà các trường đã đề ra.
Nhân Tâm
Bình luận (0)