Dốc Mạ Ơi – một địa danh mới nghe qua cũng đủ làm chùn chân bao người có ý định đến bản Ro Ró (thuộc xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị). Ở bên kia con dốc ấy, có một bản làng với 80 hộ dân người đồng bào Vân Kiều sinh sống, bảo vệ biên cương. Tầm 4 giờ chiều, mây mù đã giăng phủ kín tận từng nóc nhà, mãi đến 10 giờ sáng hôm sau mới có thể nhìn thấy quang cảnh xóm làng. Không đường đi, không điện sinh hoạt, không chợ búa… chỉ có cái rét buốt da, buốt thịt là thứ “đặc sản” có sẵn quanh năm. Thế mà ở đó, có những thầy cô giáo cắm bản, miệt mài ươm mầm con chữ cho bao thế hệ học trò khôn lớn. Điều này đã làm cho bản làng Ro Ró nhanh chóng đổi thay theo ngày tháng và trong lòng lũ học trò lúc nào cũng tràn ngập mùa xuân ấm áp, yêu thương…
Những bộ áo quần đồng phục – tấm lòng của những người lính biên phòng
|
Trở lại Ro Ró một ngày cận kề năm mới, kim đồng hồ đã điểm sang 10 giờ sáng nhưng bản làng vẫn chìm trong sương giăng mờ ảo. Cố hết sức cũng chỉ có thể nhìn được bóng người đi trước cách tầm 2m một cách mờ mờ. Vượt qua trung tâm xã A Vao được tầm 2km, con đường bê tông vừa được đầu tư xây dựng năm trước còn dang dở. Bà Hồ Thị Tâm, Bí thư Đảng ủy xã A Vao bảo, xã nhiều lần kiến nghị nhưng nghe đâu đơn vị đầu tư khó khăn về vốn, vì thế mỗi năm họ chỉ làm 100m đường thôi. Đoạn cuối cùng của điểm đường bê tông, ngước mắt trông lên chúng tôi bắt gặp một con dốc dựng đứng. “Bắt đầu hành trình vượt dốc Mạ Ơi thôi. Thở sâu và chậm để giữ sức, nếu không kiệt sức ngã lăn xuống chân núi đấy”, Trưởng bản Ro Ró, ông Côn Vàng đi bộ ra tận trung tâm xã để đón chúng tôi, nói vậy.
Cô giáo Thúy mang ủng dạy học vì nền nhà đầy bùn do mưa
|
Chưa có ai leo qua con dốc này mà không cất tiếng than mạ ơi (mẹ ơi – PV). Vậy mà hành trình đi xuống còn vất vả gấp chục lần. Len lỏi giữa lối mòn nhỏ xíu, đất bùn nhão nhoẹt do trận mưa sáng. Hai bên đường, cây cối, cỏ lau phủ kín lối. Nhiều đoạn đường quá trơn, phải bò xuống, dò dẫm từng bước một. Thi thoảng nghe tiếng vắt rừng búng tanh tách, bám vào chân người lành lạnh.
Cô giáo Thanh soạn giáo án trong ánh đèn dầu tù mù
|
Cô Nguyễn Thị Thúy, một giáo viên có thâm niên cắm bản bảo: “Bây giờ còn có cái lối mòn mà đi, trước đây cứ phải cúi khom người luồn đi trong lau lách”. “Thế cô không sợ vắt cắn à” – tôi hỏi. “Lúc đầu còn sợ, sau nhìn mãi rồi cũng quen. Tụi em ở đây mùa nắng, cuối tuần còn được ra điểm trường chính ở trung tâm xã để họp hoặc về thăm nhà. Còn mùa đông gần như là chôn chân ở đây. 5 giờ chiều, lớp học đã tối om. Ăn vội bữa cơm rồi leo lên giường, không có điện nên loay hoay một lúc rồi chỉ biết đi ngủ chờ trời sáng. Mùa đông cũng đồng nghĩa với việc cả tháng không nhận được tin nhà vì muốn nghe, gọi điện thoại thì phải leo lên đồi cao mà trời mưa thì chỗ nào cũng trơn nhẫy, lũ vắt bám đầy mặt đất”. Hỏi cô Thúy có bao giờ nhìn khung cảnh thâm u của núi rừng nơi giáp biên giới này buồn quá mà khóc chưa? Cô Thúy cười: “Nhiều khi muốn khóc lắm, nhưng khóc giữa rừng ai nghe?”. Ở chốn này hầu như các cô đều quen với những câu chuyện có phần hài hước nhưng cũng lắm xót xa. Có nhiều chàng trai quen biết rồi tìm đến thăm, nhưng được một lần leo con dốc Mạ Ơi, ở lại một đêm nghe tiếng chim giẻ giun cô độc đến rợn người, họ đi không một lần trở lại và cái tên bản Ro Ró trong trí nhớ của họ trở thành bản O Ó. Nỗi buồn của những người cắm bản trở thành động lực dồn vào tâm huyết truyền con chữ. “Lần đầu tiên đặt chân đến đây em ngỡ ngàng lắm, thêm chút hoang mang nữa nhưng rồi thấy bà con tốt bụng, ai cũng quý con chữ, lũ học trò chân đất với những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác khiến em vững vàng hơn. Ở đây 3 tháng rồi, em đã bắt nhịp được với cuộc sống ở bản làng”, cô Nguyễn Thị Thanh bày tỏ.
Giữa tiết trời mùa đông, các em học sinh phong phanh manh áo mỏng |
Thầy Nguyễn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường TH-THCS A Vao tâm sự: “Giáo viên ở đây gian khổ lắm, nhà trường cố gắng mỗi năm luân chuyển một lần để tạo điều kiện cho các giáo viên, đặc biệt là trong chuyện tìm hiểu, xây dựng gia đình”. Theo thầy Vinh, A Vao là xã có địa hình hiểm trở nên đa phần các điểm trường lẻ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Dẫu vậy, nói về nghiệp gieo chữ ở vùng cao, đôi mắt vương màu khói của thầy vẫn ánh lên niềm tin, đằng sau cái sự gian nan vất vả của đồng nghiệp, các em học trò vùng cao này sẽ bớt được chút ít thiệt thòi, những con chữ được ươm mầm, chăm sóc đang ngày càng lên xanh… Điều này như báo một tín hiệu vui rằng, cũng như mọi năm mùa xuân sẽ đem cái ấm áp đến Ro Ró sớm hơn mọi nơi.
Đường tới trường của những đứa trẻ vùng cao |
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)