Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Mùa xuân sang có hoa anh đào”

Tạp Chí Giáo Dục

Hoa anh đào nở rộ bên núi Phú Sĩ. Ảnh: H.T

Khi mùa xuân đến, tiết trời ấm dần lên, những cây anh đào trụi lá, đồng loạt trổ hoa như bừng tỉnh sau mùa đông giá lạnh. Không phải ngẫu nhiên Nhật Bản được gọi là “xứ sở hoa anh đào”, không chỉ vì hoa anh đào (sakura) có mặt ở khắp mọi nơi, mà nó còn là loại hoa gần gũi nhất với tâm linh người Nhật.
“Quốc hoa” của Nhật Bản
Một số nước trên thế giới dùng hoa làm tượng trưng cho đất nước mình, chẳng hạn hoa tulip tượng trưng cho đất nước Hà Lan, hoa hồng tượng trưng cho xứ sở Bungari, ở Nhật Bản thì hoa anh đào được chọn làm “quốc hoa”. Loại cây mộc mạc, bình dị này không có cái vẻ hùng vĩ của cây thông, cái rực rỡ của cây mận, cái duyên dáng của cây liễu, song hoa anh đào nở rộ trong tuần của mùa xuân, lại phù hợp với tính đa cảm của người Nhật.
Hoa anh đào Nhật Bản cùng họ thực vật với hoa hồng. Hoa có cánh nhỏ mỏng manh, nhưng thân cây lại to cao đến 9-12m. Hoa có nhiều màu từ gần như trắng đến hồng thẳm và nở rộ cùng một lúc. Mỗi cây có rất nhiều hoa nên khi nở trông không khác nào một đóa hoa khổng lồ. Nhật Bản được xem là đất lý tưởng của hoa anh đào. Không có xứ sở nào có nhiều anh đào như ở đây. Theo thống kê ở Nhật, có trên 30 chủng loại hoa, với hơn 300 giống anh đào, chiếm 40% tổng số 800 giống anh đào trên thế giới. Có 3 loại anh đào phổ biến nhất là: Loại anh đào Somei yoshino được trồng trong các công viên và dọc theo bờ sông. Loại Yama Zakura (anh đào núi) mọc hoang dại tại các vùng núi từ miền Trung xuống miền Nam đảo chính Honshu. Và loại Shidare Zakura được trồng nhiều trong vườn chùa…
Một nhà văn cho rằng: “Người Nhật có thể ngắm nhìn cái đẹp mong manh của hoa anh đào và ánh thép lạnh lùng của thanh bảo kiếm”. “Cái đẹp mong manh” của hoa anh đào thể hiện ở chỗ: Ngay từ khi đạt đến độ nở đẹp nhất của mình, những bông hoa bắt đầu rụng xuống theo những cơn gió xuân bất chợt, cánh hoa rụng bay trong gió như tuyết, rơi xuống đất vẫn còn tươi thắm (không héo tàn trên cây). Có lẽ vì vậy, mà ngày xưa, người Nhật thường ví hoa anh đào như cuộc đời của võ sĩ đạo – một biểu tượng về “cái chết một cách cao đẹp”.
Hoa anh đào đi vào thơ ca, nhạc họa…
Trong tuần lễ hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân, người dân Nhật thường tổ chức đi ngắm hoa (Hanami), uống rượu sake và ca múa dưới bóng hoa anh đào. Chỉ một cơn gió thoảng, những cánh hoa mong manh bị bứt ra khỏi cành, đung đưa nhẹ nhàng rồi đáp xuống thảm cỏ hoặc vương lên mái tóc, tạo khung cảnh cực kỳ thơ mộng, mà thơ ca không ngớt lời nhắc đến. Đi ngắm hoa cũng là dịp xuất hành du xuân của người Nhật. Phong tục này có nguồn gốc từ thời Hayan (794-1185) như một hình thức giải trí của giới quý tộc. Đến năm 1600, thú chơi này được phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Tại đây, các thanh niên nam nữ cắm trại dưới rừng hoa vui đùa ca hát, các trẻ em thường viết những dòng chữ mơ ước trong năm mới vào tờ thiệp nhỏ cài lên cành hoa, với niềm tin sẽ trở thành hiện thực. Riêng các đời thủ tướng Nhật thường tổ chức chiêu đãi, mời các nhà ngoại giao đoàn đến vườn thượng uyển để ngắm hoa anh đào, bày tỏ sự trân trọng đối với khách… Vẻ đẹp diệu kỳ của hoa anh đào, từ lâu đã đi vào thơ ca, nhạc họa… Nó được nhắc tới thường xuyên trong văn học Nhật cả cổ đại và hiện đại. Nhiều nhà thơ được mệnh danh là “nhà thơ của hoa anh đào”, như nhà thơ Saigyo – tình yêu của ông đối với hoa anh đào có thể xem là biểu hiện tuyệt vời của tâm hồn Phù Tang: “Với mọi điều từ bỏ/ Như tôi hằng nghĩ suy/ Thế mà trái tim tôi/ Vẫn còn đó/ Ửng sắc hoa anh đào”. Không chỉ thế, hoa anh đào còn đi vào nhiều hoạt động sống động khác, như một số trường học, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, công ty ở Nhật… thường lấy tên hoa anh đào, hình hoa anh đào cũng xuất hiện trên tiền, bưu thiếp, tranh, ảnh Nhật… Và tất nhiên, những cánh hoa nhỏ xinh ấy, luôn được dành vị trí trân trọng trên tem bưu chính Nhật. Người ta cho rằng, các giá trị truyền thống của Nhật về sự thuần khiết và tính giá trị được phản ánh ở hình thức và màu sắc hoa anh đào. Vì nó là biểu tượng cho cách thưởng thức vẻ đẹp phù du của người Nhật. Trong tâm thức người Nhật, anh đào nở rộ là điềm lành báo mùa lúa tốt. Dưới ánh nắng xuân, màu hoa trắng điểm hồng phủ kín cả rừng cây tạo nên cảnh xuân thanh bình, thịnh vượng, ấm cúng. Nó cũng báo hiệu cho sự khởi đầu một năm mới tốt đẹp và may mắn.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín

Bình luận (0)