Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mưa xuống, sốt xuất huyết “lên”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bệnh nhi SXH điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: H.Triều

Gần một tháng nay, số ca nhập viện do mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) bắt đầu tăng. Hiện tại, trung bình mỗi tuần toàn TP có khoảng 200 bệnh nhân nhập viện. Đó là dấu hiệu của quy luật – mưa xuống, SXH “lên”.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.
PV: Xin bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh SXH hiện nay trên địa bàn TP.HCM?
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ: Từ đầu năm đến nay, toàn TP có trên 2.500 trường hợp mắc bệnh SXH nhập viện. Riêng tháng 5 và 10 ngày đầu tháng 6, số ca mắc bắt đầu tăng – trung bình khoảng 200 ca/tuần. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái thì có giảm (khoảng 20%). Đặc biệt, đến thời điểm này, TP vẫn chưa ghi nhận ổ dịch nào. Các ca bệnh rải đều ở nhiều quận, huyện. Đây cũng là tình hình chung của cả khu vực phía Nam.
Có thể nói, với số ca mắc và nhập viện như hiện nay thì tình hình dịch bệnh SXH vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Tuy nhiên, không thể chủ quan mà phải tiếp tục theo dõi và có các biện pháp phòng chống. Bởi, đỉnh điểm của dịch bệnh SXH là tháng 8, tháng 9 khi lượng mưa nhiều hơn…
Bệnh SXH có nhiều dấu hiệu giống các bệnh lây qua đường hô hấp… Vậy làm cách nào để phân biệt được đâu là bệnh SXH, thưa bác sĩ?
Mùa của bệnh SXH ở TP.HCM cũng trùng khớp với nhiều dịch bệnh như tay chân miệng, cúm… Các bệnh này có chung nhiều triệu chứng vì vậy người bệnh rất dễ nhầm lẫn. Người bệnh cần lưu ý, khi có các dấu hiệu sốt cao, sốt liên tục nhưng uống thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng hạ sốt nhất thời; với trẻ lớn, sốt có kèm theo nhức mỏi, không có dấu hiệu viêm đường hô hấp. Đặc biệt là khi quanh nhà có nhiều muỗi thì phải nghi ngờ người bệnh đã mắc bệnh SXH. Khi đã nghi ngờ thì cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.
Người bệnh SXH cần được theo dõi diễn tiến của bệnh qua các biểu hiện như đau bụng, ói mửa nhiều, nhiệt độ giảm, đó là những dấu hiệu bệnh trở nặng cần phải đưa đến bệnh viện gấp. Dấu hiệu bệnh trở nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 6 (tính từ khi bệnh nhân bắt đầu sốt) của kỳ bệnh, nhất là khi bệnh nhân đang sốt thì đột ngột hết. Khi đó không được chủ quan, phải theo dõi…
Năm nào cũng có trường hợp tử vong do mắc bệnh SXH. Vậy cách nào để phòng bệnh hiệu quả, thưa bác sĩ?
Nếu trong nhà nghi ngờ có người mắc bệnh SXH thì phải diệt muỗi bằng nhang xua muỗi, vợt bắt muỗi.., mỗi ngày ít nhất một lần. Đồng thời phải kiểm tra tất cả các vật dụng chứa nước, đọng nước có chứa lăng quăng hay không, nếu có thì phải diệt hết. Vì lăng quăng sẽ phát triển thành muỗi, muỗi cắn người bệnh lây bệnh rồi truyền cho người lành. Khi trong nhà có người mắc bệnh SXH thì phải báo cáo với y tế địa phương để có biện pháp ngăn ngừa sự lây lan ra cộng đồng.
Đối với những gia đình chưa có người nghi ngờ mắc bệnh, cần vệ sinh nhà cửa, môi trường hàng ngày, diệt lăng quăng hàng tuần.
Bác sĩ có thể cho biết về chiến dịch phòng chống SXH năm 2013 của TP?
Hiện nay TP đang triển khai chiến dịch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH (ngày 15-6). Đây là bước khởi đầu của công tác phòng chống SXH trong mùa mưa 2013. Theo đó, ngoài việc truyền thông để người dân hiểu về bệnh SXH, biết cách phòng chống bệnh thì ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường trên toàn TP. Trong đó, tập trung các vùng nguy cơ cao, phường, xã, khu phố có nhiều ca bệnh trong thời gian qua…
Xin cám ơn bác sĩ!
Triều Hòa (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)