Công ty CP Thiên Tân (Quảng Trị) có một công nhân bị tai nạn giao thông khi đi làm nhiệm vụ ngoài phạm vi công ty theo phân công của công ty và khi điều tra tai nạn lao động được xác định là tai nạn lao động.
Lỗi gây ra tai nạn không phải do người lao động của công ty mà là do người khác gây ra. Công ty đã thanh toán đầy đủ chi phí cấp cứu, điều trị và tiền lương trong thời gian điều trị. Trong quá trình giải quyết vụ việc, bên chủ xe gây tai nạn đã bồi thường cho công nhân công ty số tiền 27.000.000 đồng.
Qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Thiên Tân hỏi, khi giải quyết bồi thường tai nạn lao động theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH, công ty có được giảm trừ số tiền do bên chủ xe gây tai nạn đã bồi thường không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
Biên bản điều tra tai nạn lao động của người lao động là cơ sở để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động, “trường hợp người lao động bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại Khoản 4, Điều 38 của luật này”.
Đồng thời, người sử dụng lao động thực hiện bồi thường tai nạn lao động cho người lao động căn cứ mức suy giảm khả năng lao động và tiền lương của người lao động theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 2-2-2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, không liên quan đến việc giải quyết giữa người gây ra tai nạn với người lao động bị tai nạn.
V.Y/VGP
Bình luận (0)