Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mức học phí mới: Công lập hồ hởi – dân lập ung dung

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định điều chỉnh khung học phí lên 240.000đ/tháng/SV (mức học phí cũ là 180.000đ/tháng/SV). Sau 10 năm giữ nguyên, đến năm học mới 2009 – 2010, học phí của các trường ĐH công lập đã được thay đổi. Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập, sự thay đổi này vẫn chưa ảnh hưởng đến mức thu.
Công lập hồ hởi
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho biết trường sẽ tăng học phí theo đúng quy định của Chính phủ và tăng đều ở tất cả các ngành. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trường chưa nhận được văn bản quyết định nên giấy báo nhập học cho SV khóa mới vẫn ghi mức học phí cũ 180.000đ/tháng/SV. Sau khi nhận được quyết định, SV nhập học, trường sẽ thông báo cụ thể mức học phí mới là 240.000đ/tháng/SV như theo quy định.
ĐH Hà Nội cũng sẽ tăng học phí từ 180.000đ lên 240.000đ trong năm học tới. Ông Đỗ Duy Truyền, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay mức học phí cũ đã “quá cũ”, với mức học phí mới, các trường sẽ cải thiện được phần nào tình hình khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trả lương cho giảng viên. ĐH Hà Nội là một trong những trường được Bộ GD-ĐT cho thí điểm về tự chủ tài chính. Nhưng các khoản chi trường được tự chủ, còn các khoản thu thì vẫn không thay đổi. Do đó, từ khi được tự chủ, trường lại “nghèo hơn” do ngân sách nhà nước cấp bị cắt giảm còn học phí không được tăng.
Trong khi các trường ĐH công lập đang rất “háo hức” chờ đón quyết định điều chỉnh khung học phí mới thì các trường ĐH ngoài công lập lại rất ung dung. GS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng cho biết, học phí của trường năm nay vẫn giữ ổn định như những năm trước và được thông báo trong cuốn Những điều cần biết (7,9 triệu đồng/năm/SV). Trường cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh mức học phí này.
ĐH Quốc tế Bắc Hà cũng không có dự kiến thay đổi học phí. Mức học phí của trường vẫn là 18 triệu đồng/năm/SV đối với khối kinh tế và 20 triệu đồng/năm/SV đối với khối kỹ thuật. Dù là trường công lập nhưng Viện ĐH Mở Hà Nội cũng không thay đổi mức học phí hiện nay đối với SV khóa mới.
Ngành “nóng” tăng kịch trần
Theo GS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, mức tăng học phí mà Chính phủ vừa phê duyệt không phải là cao so với hiện nay. Những ngành hấp dẫn của trường như: tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, tài chính kế toán… sẽ thu mức cao nhất mà Chính phủ cho phép là 240.000đ/tháng/SV để bù lại cho những ngành ít người theo học như khối xã hội, kinh tế chính trị, triết học, khoa học cơ bản… những ngành này dự kiến sẽ giữ mức học phí như các năm trước. Tuy nhiên, mức học phí ĐH Quốc gia không quyết định cụ thể mà để hiệu trưởng các trường quyết định.
Lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết hiện trường có rất nhiều ngành, trong đó có những ngành thu hút đông SV nhưng cũng có một số ngành các SV còn dè dặt, vì thế mức học phí sẽ không cào bằng. Thậm chí, trong cùng một khoa, với các ngành khác nhau sẽ có mức học phí khác nhau.
Cụ thể, các ngành “hot” sẽ có mức học phí cao (thu kịch trần 240.000đ/tháng/SV) như điện tử viễn thông, tự động hóa… Các ngành dự kiến sẽ thu mức học phí thấp hơn là dệt may, luyện kim…
Khối các trường kinh tế cũng dự định tăng học phí ở mức kịch trần. Học viện Ngân hàng cho biết trường sẽ thu học phí ở mức cao nhất trong khung học phí được phép thu, là 240.000đ/SV/tháng.

Chưa thể đòi hỏi các trường về chất lượng

Theo ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, số tiền này trường sẽ tập trung vào đầu tư phòng thí nghiệm, thực hành cho SV. Các khoa đều cần có phòng thí nghiệm, trong khi một phòng thí nghiệm ở mức bình thường đầu tư đã hết 1 tỷ đồng. Trường vừa xây dựng phòng thí nghiệm hóa hữu cơ hết 5 tỷ đồng. Với chi phí cao như thế thì mức học phí này vẫn là rất khiêm tốn.
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng mức học phí mới đã cải thiện hơn. Tuy nhiên, nếu xét cụ thể, một số đơn vị, một số ngành đầu tư về chất lượng tốt thì đương nhiên phải có mức thu cao hơn nhưng phải có điều kiện đảm bảo như chất lượng, được người học thừa nhận, đồng thuận, minh bạch, công khai để xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà người học phải đóng. Đặc biệt, không được nhập nhèm giữa kinh phí với chất lượng.
 
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)