Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mức học phí thấp, trường nghề khó đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với máy CNC đầu tư hàng chục tỷ đồng như thế này nhưng học phí thấp rất khó cho các trường nghề có kinh phí tái đầu tư. Ảnh: V.M

Trước mùa tuyển sinh hệ trung cấp (trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp) phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm tới đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2012” là vấn đề học phí (HP). Thực tế hiện nay giáo dục nghề nghiệp phải đầu tư nhiều nhất (gấp khoảng 10 lần các trường phổ thông) tuy nhiên mức thu HP rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo của các trường.
Tăng học phí là cần thiết
Thầy Đỗ Tất Nhâm, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật (TCKTKT) Phương Nam, chia sẻ: “Nếu muốn nâng chất lượng giáo dục đào tạo thì việc tăng HP là cần thiết vì không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục cao với một chi phí quá thấp. Tuy nhiên mức tăng HP phải phù hợp và tăng dần dần với sự phát triển”. Hiện tại mức HP của Trường TCKTKT Phương Nam, nơi có cơ sở vật chất tương đối tốt, nhưng mức HP chỉ ở mức thấp 3,6 triệu đồng/ năm/học sinh. Nhưng theo thầy Nhâm với mức HP này chỉ đáp ứng được tốt với những ngành đào tạo mang tính dịch vụ, còn đối với những ngành nghề cần thực tập tốn kém, hay bắt buộc phải đầu tư trang thiết bị thì mức HP sẽ được thu ở mức 6 triệu đồng/năm/học sinh như ngành điều dưỡng, dược…
Trên địa bàn TP.HCM, trường nằm trong “top” các trường có HP thấp nhất hiện nay phải nói tới Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức với mức học phí 1,8 triệu đồng/năm/học sinh. Khung học phí này được giữ từ nhiều năm nay chưa thay đổi, trong khi đó mức giá tiêu dùng đã tăng trung bình 1,7 lần. Theo thầy Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với các ngành nghề cơ khí, kỹ thuật đòi hỏi thời gian thực hành nhiều (60-70% thời lượng), trang thiết bị máy móc lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi máy mà không tăng HP thì ngành giáo dục khó đột phá. Đối với trường vẫn phải bám sát sự chỉ đạo của ngành, của Nhà nước, tuy nhiên đã đến lúc người học cần chia sẻ hơn nữa phần chi phí đào tạo để đẩy chất lượng giáo dục nghề nghiệp mạnh hơn nữa”. 
Phần lớn người lao động ở TP.HCM hiện nay mức thu nhập bình quân từ 3 – 7 triệu đồng/tháng/ người. Việc đóng HP cho một người con theo học là 7 – 8 triệu đồng/năm điều này hoàn toàn có thể thực hiện. Đối với những gia đình khó khăn, gia đình chính sách… thì Nhà nước đã có nhiều chính sách miễn giảm học phí.
Tăng học phí, tăng hiệu quả đào tạo
Một nghịch lý hiện nay là nhiều trường có mức HP rất thấp, nhưng học sinh lại “quay lưng” để tìm đến các cơ sở đào tạo có mức HP hàng ngàn USD thậm chí hàng chục ngàn USD cho mỗi năm học. Học viên Trịnh Xuân Thành, Trường Đào tạo Nghề Việt Mỹ, lý giải: “Em học ở Trường Nghề Việt Mỹ tuy học phí có cao hơn nhiều các trường dạy nghề khác, nhưng bù lại chúng em được thực hành, học Anh văn và các kỹ năng mềm khác phục vụ cho công việc sau này. Mặt khác, học ở đây ra trường dễ dàng đáp ứng được nhu cầu công việc, lương cao, có cơ hội làm việc ở nước ngoài”.
Ông Phạm Cao Hưng, Giám đốc Trường GD-ĐT Úc – Việt chia sẻ: “Học ở Úc – Việt các học viên được liên thông với các văn bằng nghề của Úc, bằng cấp có giá trị quốc tế. Học ở Úc – Việt học phí trọn khóa khá cao từ 200 – 300 triệu đồng, nhưng phần lớn các học viên đến với Úc – Việt không than phiền về HP vì quyền lợi người học được được bảo đảm”.
Còn theo cô Thái Thị Thu Em, Phó hiệu truởng Trường Trung cấp Nghề KTNV Tôn Đức Thắng thì: “Trường chúng tôi thu HP lớp nghề dài hạn trung bình 8 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, với mức HP này nếu chúng tôi không được sự trợ giúp từ phía Liên đoàn Lao động TP.HCM thì khó có khả năng đào tạo tốt được. Vì mức HP thấp nên nhà trường mới chỉ mạnh dạn đào tạo các ngành như kế toán, kinh tế hay quản trị kinh doanh…” .
Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)