HĐND TP.HCM vừa ban hành Dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách về khen thưởng cho giáo viên (GV), học sinh (HS), học viên (HV) đạt giải thưởng trong các kỳ thi cấp TP, quốc gia, khu vực, quốc tế và cho GV có công đào tạo, bồi dưỡng các HS, HV đạt giải trên tại TP.HCM. Với dự thảo này, mức thưởng cao nhất được áp dụng lên đến 200 triệu đồng và thấp nhất là 2 triệu đồng, tùy theo giải thưởng và sân thi đấu, được UBND TP cân đối từ nguồn ngân sách TP hàng năm.
TP.HCM sẽ nâng mức khen thưởng cho học sinh, giáo viên đạt giải cao
Dự thảo được HĐND đưa ra xét trên tờ trình của Sở GD-ĐT TP.HCM. Ngay lập tức đã nhận được sự “hân hoan” từ phía các GV, nhà trường, cho rằng mức khen thưởng mới khi được áp dụng sẽ tiếp thêm động lực để cả thầy và trò cùng cố gắng, phấn đấu, góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và đất nước.
Mức thưởng cao nhất gấp 20 lần hiện hành
Mức thưởng được dự thảo đưa ra cụ thể: Với đối tượng HS, HV đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học (NCKH) kỹ thuật quốc tế, thi TDTT quốc tế được thưởng lên đến 200 triệu đồng đối với huy chương vàng (HCV) hoặc giải nhất, huy chương bạc (HCB) hoặc giải nhì, huy chương đồng (HCĐ) hoặc giải ba, giải khuyến khích, giải chuyên đề và các giải khác được thưởng với các mức tương ứng là 160 triệu đồng, 120 triệu đồng và 50 triệu đồng. Với kỳ thi Olympic khu vực, NCKH khu vực, TDTT khu vực mức thưởng được áp dụng từ 120 triệu đồng với HCV (giải nhất), 90 triệu đồng với HCB (giải nhì), 75 triệu đồng với HCĐ (giải ba) và 30 triệu đồng với giải khuyến khích, giải chuyên đề và các giải khác. HS giỏi kỳ thi cấp quốc gia được áp dụng mức thưởng giải nhất 50 triệu đồng, giải nhì 40 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng, giải khuyến khích, chuyên đề và các giải khác 20 triệu đồng. HS giỏi kỳ thi cấp TP, mức thưởng sẽ là 5 triệu đồng/HS cấp TH, 10 triệu đồng cấp THCS và 12 triệu đồng cấp THPT. Dự thảo cũng nêu rất rõ mức thưởng đối với HS, HV đạt giải cao trong kỳ thi TDTT cấp toàn quốc là 7,5 triệu đồng với HCV, 5 triệu đồng với HCB, 3,5 triệu đồng với HCĐ, giải khuyến khích, chuyên đề là 2 triệu đồng. Đặc biệt, HS, HV là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật đạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực, quốc gia và TP sẽ được hưởng 1,5 lần mức thưởng quy định. Trường hợp HS, HV vừa là người dân tộc thiểu số, vừa là người khuyết tật mức thưởng sẽ gấp 2 lần mức quy định.
Đối với GV, dự thảo cũng đưa ra mức thưởng tương đương với HS khi GV đạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực. Riêng trong kỳ thi quốc gia, mức thưởng sẽ là 20 triệu đồng với giải nhất, 15 triệu đồng với giải nhì, 10 triệu đồng với giải ba và 5 triệu đồng với giải khuyến khích, giải chuyên đề và các giải khác. Với kỳ thi cấp TP, mức thưởng lần lượt là 8 triệu đồng, 6 triệu đồng, 4 triệu đồng và 2 triệu đồng cho giải nhất, nhì, ba, khuyến khích. Với trường hợp GV trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo HS, HV đạt giải sẽ được hưởng mức thưởng là 70% tiền thưởng của HS, HV. Tập thể GV cùng tham gia đào tạo, bồi dưỡng HS, HV mức thưởng sẽ tính bằng 30% mức tiền thưởng của GV trực tiếp bồi dưỡng.
So với mức khen thưởng hiện hành, mức khen thưởng nêu ra trong dự thảo gấp lên đến 20 lần đối với HS đạt HCV quốc tế.
Đòn bẩy kép thúc đẩy, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra trong tờ trình gửi Thường trực HĐND TP, sau 16 năm thực hiện Quyết định số 162/2004/QĐ-UBND, việc khen thưởng HS, GV đạt giải trong các kỳ thi, GV có công đào tạo bồi dưỡng HS đạt giải trong các kỳ thi đã không còn phù hợp về mức thưởng cũng như đối tượng khen thưởng. Các nội dung liên quan đến Quyết định số 162 hiện nay cũng đã không còn tương thích với các điều của Luật Thi đua khen thưởng, các nghị định, quyết định của Chính phủ và UBND TP về chế độ khen thưởng.
“Việc xây dựng nghị quyết quy định mới thay thế cho Quyết định số 162 thể hiện được sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền TP đối với ngành giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và đặc biệt là quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của đất nước, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập khu vực quốc tế”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn khẳng định trong tờ trình.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cũng cho rằng, mức thưởng mới không chỉ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với công tác thi đua khen thưởng mà còn giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ GV có công đào tạo, bồi dưỡng HS, kịp thời động viên, tôn vinh đội ngũ. Mức thưởng mới cũng sẽ góp phần khuyến khích GV, HS nghiên cứu, vận dụng kiến thức môn học giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần đổi mới hình thức, phương pháp đánh giá kết quả học tập của HS, nâng chuẩn trình độ GV, hướng tới phát triển toàn diện HS.
“Phải nhìn nhận rằng để có một HS đạt giải quốc tế là rất khó, đòi hỏi cả một quá trình từ phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng và thi tuyển, mất rất nhiều thời gian, công sức của cả thầy và trò. Cạnh đó, để đạt được kết quả tốt thì HS phải đánh đổi bằng việc học lệch, thiên về môn chuyên nên khó thuyết phục được phụ huynh nếu thành quả của các em không được ghi nhận xứng đáng. Mức thưởng hiện nay đã được xây dựng từ rất lâu và chưa có điều chỉnh trong khi các tỉnh thành khác có mức khen thưởng lớn làm phát sinh so sánh, giảm sức hút của phong trào HS giỏi cũng như thế mạnh lớp chuyên, trường chuyên của TP hiện nay”, thầy Phạm Phương Bình (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức) chia sẻ.
Cũng theo thầy Bình, quy chế hiện hành thì GV giỏi giấy khen của bộ thì không có kèm tiền thưởng, giấy khen Giám đốc sở thì thưởng 0,3 mức lương cơ bản, kinh phí khen thưởng được lấy từ chính nguồn quỹ khen thưởng của đơn vị nên gây khó khăn khi nâng mức thưởng. “3 năm mới có một kỳ thi GV giỏi cấp TP và toàn quốc nên việc khen thưởng GV đạt giải GV giỏi là hết sức cần thiết, có tác động động viên rất lớn GV”.
Với việc mở rộng đối tượng và hình thức khen thưởng trong dự thảo, nhiều GV nhìn nhận điều này hoàn toàn phù hợp, tiệm cận với hoạt động đa dạng hiện nay của nhà trường. “HS đã có nhiều sân chơi từ phía nhà trường như NCKH, STEM, CLB đội nhóm, phong trào TDTT thì việc đa dạng hoá các cuộc thi với mức khen thưởng tương xứng sẽ động viên, khích lệ tạo động lực để hoạt động này phát triển mạnh mẽ, là đòn bẩy kép cùng với kế hoạch giáo dục của nhà trường để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao”, cô Hoàng Thị Thanh Vân (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh) nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)