Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaThư giãn

Mùi… của ký ức

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày này đường phố đã bắt đầu nhộn nhịp, người người cũng hối hả hơn, muôn hoa bung sắc báo hiệu mùa xuân mới lại sang, một cái Tết nữa lại đến. Ngoài phố, những gian hàng bắt đầu bày bán các loại bánh mứt đủ màu sắc như phô hết sự đa dạng của nó. Nhưng tìm trong đó vẫn không thấy cái vị bánh mứt (có nơi gọi là bánh khảo) ngày nhỏ tôi từng được ăn…

Bao nhiêu năm qua đi nhưng cái vị bánh ấy vẫn cứ đậm sâu trong tâm trí. Ở quê tôi hay gọi là bánh mứt, nguyên liệu và cách thức làm giống như bánh in. Ngày ấy, đối với chúng tôi, ngoài bánh chưng, dưa món, củ kiệu thì bánh mứt chính là vị của Tết, vị của bà, vị của gia đình cùng nhau gói lại. Bánh mứt được làm bằng bột nếp. Để làm ra bánh cũng trải qua nhiều công đoạn và sự chăm chút, kinh nghiệm mới có được mẻ bánh ngon. Bà luôn chọn mua loại nếp ngon nhất, đem rang lên rồi máy ra thành bột. Sau đó đổ bột ra nia và phơi sương một đêm để bột có độ mềm mịn nhất định. Một khâu cũng không kém phần quan trọng để làm nên vị đặc trưng của bánh đó là phần nấu nước đường, muốn bánh thơm ngon bao giờ cũng phải có gừng. Mùi nước đường sên quyện cùng vị gừng thơm lừng cả một góc bếp. Có nhà còn giã gừng ra vắt lấy nước cốt để bánh có vị gừng thật nồng. Cuối cùng, đợi cho thật nguội đổ phần nước đường đã sên vào bột rồi nén bột thật chặt. Bột sau khi đã quyện cùng nước đường, có vị ngọt vừa đủ thì bắt đầu đến khâu đúc bánh. Đây có lẽ là phần mà mấy đứa chúng tôi mong đợi nhất. Những chiếc khuôn gỗ hình chữ nhật được bà bày ra, mỗi đứa sẽ giành lấy một cái để làm rồi thi nhau ai làm bánh đẹp nhất. Chúng tôi bỏ bột vào khuôn hình chữ nhật, bà dặn muốn bánh đẹp và không bị rổ thì phải bện thật chặt bốn góc. Ấy vậy mà chỉ vì mê “thành tích” bánh đứa nào cũng bị bể một góc, làm tội bà phải ngồi chỉnh lại. Bánh sau khi đúc thành hình thì được đem đi phơi nắng cho thật khô rồi gói lại bằng giấy màu. Đó là những tờ giấy đủ màu sắc, thật hợp với sự rực rỡ của mùa xuân. Bà thường mua một cuộn giấy to rồi về cắt lại thành những mảnh hình vuông gói vừa với bánh.

Thời đó bánh mứt vô cùng được ưa chuộng, nhà nào làm ít lắm là vài chục cái, nhà nhiều có khi làm cả trăm bánh. Phần để bàn thờ tổ tiên, phần đem biếu bà con dòng họ. Ngày Tết, cắn miếng bánh mứt nhâm nhi bên tách trà ấm mở đầu cho những câu chuyện đầu năm vốn là nét xuân của người dân quê tôi. Hồi đó, bọn trẻ chúng tôi không mấy thích ăn, phần vì bánh cứng, phần vì có vị gừng cay. Nhưng lớn lên chẳng hiểu vì sao lại cứ nhớ cái mùi bánh đượm vị gừng ấy. Phải chăng nỗi nhớ ấy là nhớ bà, nhớ ký ức tuổi thơ… Giờ đây dù bánh không còn được làm nhiều, ít người ăn vì có nhiều loại bánh đa dạng mẫu mã, vị lạ ra đời nhưng vẫn còn vài gia đình làm để bán. Nhưng dẫu có vậy vẫn không giống như vị bánh bà làm mà chúng tôi được ăn lúc nhỏ, bởi bánh của bà có tình yêu thương của bà, có tiếng cười của cả nhà quây quần gói ghém vào bánh.

Mới đó mà đã bao nhiêu năm qua đi, chúng tôi lớn lên đi học, đi làm xa nhà. Có năm không về quê ăn Tết cùng gia đình. Bà đã hơn tám mươi tuổi, dù ký ức có đôi lúc nhớ nhớ, quên quên nhưng mỗi khi nhắc đến những lúc bà cháu cùng nhau làm bánh đón Tết là đôi mắt bà rực sáng. Bà bảo đứa nào thèm, Tết về bà làm cho mà ăn, ăn vài miếng là ngán ngay ấy mà. Nhưng tôi biết, có lẽ khó mà được ăn lại miếng bánh mứt ngày xưa bà làm, vì giờ bà đã già, đôi tay bà run run, yếu hẳn làm sao có thể làm bánh cho chị em tôi. Bà dặn năm nay đừng ở lại Sài Gòn, về quê ăn Tết với bà. Đừng nói là bánh mứt, muốn món gì bà cũng có thể làm cho chúng tôi ăn.

Có những mùi vị sẽ đi cùng năm tháng, dù có lớn lên và già đi, chúng ta cũng không thể nào quên. Đó là mùi của ký ức, của tình yêu thương. Tết năm nay chúng tôi lại muốn cùng bà làm bánh mứt, cả nhà sẽ ngồi quây quần bên miếng bánh chén trà ấm áp những ngày lạnh đầu xuân.

Thúy Nga

 

 

Bình luận (0)