Trên số báo 1.814 (ra ngày 12-9-2016), Báo Giáo dục TP.HCM đã phản ánh về tình trạng người dân ở khu Nam Sài Gòn, trong đó có cả giáo viên và học sinh đang dạy và học tại các trường đóng trên địa bàn Q.7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè… phải khổ sở vì mùi hôi thối bốc ra từ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) qua bài viết: Khu Nam Sài Gòn: Trường khổ sở vì mùi hôi. Và trước đó, người dân và chính quyền ở khu vực này đã phải “cầu cứu” lãnh đạo TP tìm giải pháp khắc phục.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở TN-MT phải đặc biệt lưu ý đối với những dự án chôn lấp rác. Ảnh: Q.Huy |
Xung quanh vấn đề bức xúc này, ngày 14-9, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có cuộc họp với các sở, ngành liên quan. Trả lời báo chí bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP – cho biết: Dự kiến tuần sau UBND TP sẽ thông qua báo cáo của Sở TN-MT, sau đó gửi Thủ tướng Chính phủ…
Cũng theo ông Thắng: “Theo đánh giá của UBND Q.7 thì mùi hôi đã giảm. Còn nguyên nhân gây mùi hôi sẽ được báo cáo rõ trong buổi tiếp xúc với báo chí dự kiến diễn ra trong đầu tuần tới”.
Trước đó Sở TN-MT chỉ ra 3 nguồn bị tình nghi gây ra mùi hôi ở khu Nam Sài Gòn là: Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Nhà máy xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và phương án giải quyết. Kiểm tra trên diện rộng, Sở TN-MT TP xác định, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có khả năng phát sinh mùi nhiều nhất. Ngoài việc có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng, giá xử lý rác của Đa Phước quá cao nên tháng 8 vừa qua, Thường vụ Thành ủy và UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại.
Trong cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, lượng chất thải phát sinh trên địa bàn TP đang rất lớn, có thời điểm lên đến 8.000 tấn/ngày. Chúng chủ yếu được đưa về chôn lấp, chiếm 76%. Hiện, TP có hai khu xử lý rác thải là Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (xử lý 5.000 tấn/ngày) và Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi). Trong đó Công ty Việt Star thực hiện phân loại và tái chế làm phân compost 1.200 tấn/ngày, Công ty Tâm Sinh Nghĩa khoảng 1.000 tấn/ngày.
Xe chở rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Ảnh: T.Tri |
Cũng theo bà Mỹ, một số bãi dù đã không còn tiếp nhận rác nhưng cũng gây ô nhiễm do chưa phủ đỉnh làm nước rỉ rác ra ngoài. Lượng rác phát sinh tăng nhanh nhưng hiện các trạm trung chuyển rác vừa thiếu, vừa hoạt động không đạt yêu cầu. Trong tổng số 31 trạm chỉ có 5 đạt chuẩn, 13 trạm đã được cải tạo đang hoạt động và 13 trạm khác hoạt động tạm.
Với lượng rác phát sinh thêm 5% mỗi năm, bà Mỹ đề xuất TP kêu gọi công nghệ xử lý phù hợp với thực tế. Trong đó, cần quan tâm triển khai hiệu quả vấn đề phân loại rác tại nguồn, vì công nghệ đốt hay chôn lấp cũng đều cần rác đã được phân loại. Hiện TP chỉ làm thí điểm một số khu vực nhưng chủ yếu là kêu gọi người dân tự nguyện, chưa có các biện pháp chế tài. Việc triển khai có nơi phân loại đạt 30%, có nơi đạt 40-50% nên chưa hiệu quả.
Từ thực tế này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Người dân TP đang quan tâm đến vấn đề môi trường. Người dân không chỉ phản ánh bằng tin nhắn mà gửi thư cho Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Vì vậy, tôi đề nghị Sở TN-MT phải đặc biệt lưu ý đối với những dự án chôn lấp rác. Trong đó chú ý đến việc trồng cây cách ly giữa bãi rác với khu dân cư, phun xịt chế phẩm khử mùi vào từng thời điểm, lượng phun cho phù hợp…”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)