Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Mũi nhọn nhưng chưa… đột phá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển – Ảnh: P.V

Bộ Thông tin-Truyền thông vừa tổ chức hội thảo "Phát triển công nghiệp CNTT giai đoạn 2011 – 2015". Các chuyên gia cho rằng 10 năm qua, dù VN xác định CNTT là mũi nhọn, nhưng lại không có sự đột phá và chưa thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế – xã hội.

10 năm làm được những gì?

Tháng 10.2000, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 58-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị 58) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Trong Chỉ thị 58, công nghiệp CNTT là một trong những nội dung quan trọng mà VN xác định để phấn đấu thực hiện. Tuy nhiên vào thời điểm tổng sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị này, hầu hết các mục tiêu cơ bản đều không đạt yêu cầu. Điều đó không chỉ bộc lộ hàng loạt yếu kém, bất hợp lý trong ứng dụng và phát triển CNTT; mà còn tác động không tốt đến chiến lược giai đoạn 2006 – 2010.

Cuối tháng 8.2010, Bộ Thông tin – Truyền thông một lần nữa đánh giá hiện trạng công nghiệp CNTT. Theo tổng kết này, 10 năm qua (từ năm 2000 – 2009), ngành công nghiệp CNTT Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20% – 25%. Trong đó, doanh thu công nghiệp phần cứng đạt 4,68 tỉ USD vào năm 2009, tăng gấp 8 lần so với năm 2000, công nghiệp phần mềm tăng từ 58 triệu USD vào năm 2000 lên 880 triệu USD năm 2009.

Mảng công nghiệp phần cứng, Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp hơn 5,7 tỉ USD từ các tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới như Intel, Canon, Fujitsu… Tuy nhiên, giá trị gia tăng của Việt Nam đóng góp trong các dự án đầu tư của các tập đoàn này còn thấp do công nghiệp phụ trợ phát triển kém, mới chủ yếu sử dụng nhân công. Trong khi đó, công nghiệp phần mềm khá phát triển với hơn 1.000 DN.

Tuy nhiên, đa số chỉ là những DN có quy mô nhỏ và chỉ có khoảng 10 DN có quy mô 1.000 lao động trở lên. Đặc biệt ngành công nghiệp này cũng chưa hấp dẫn được các hãng phần mềm lớn trên thế giới đầu tư vào VN để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Công việc chính của công nghiệp phần mềm VN chủ yếu chỉ là gia công phần mềm.

Lĩnh vực công nghiệp nội dung số bước đầu cũng có tốc độ tăng trưởng khá – khoảng 40%/năm. Thế nhưng lại chủ yếu là dịch vụ cung cấp sản phẩm của nước ngoài với thị trường nội địa, chưa có những sản phẩm nội dung số nổi bật mang thương hiệu Việt Nam. Thẳng thắn đánh giá, các chuyên gia cho rằng công nghiệp CNTT của VN 10 năm qua chưa đạt được mục tiêu đề ra, cũng chưa tạo được nền tảng vững chắc về hạ tầng, nhân lực… cho giai đoạn phát triển tới.

Cần tăng tốc và đột phá

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng việc xác định công nghiệp CNTT là lĩnh vực mũi nhọn là chủ trương đúng đắng. Tuy nhiên để thực hiện các mục tiêu chiến lược, tạo động lực để CNTT thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác thì cần phải tạo sự đột phá và tăng tốc nhanh cả về chính sách, ưu đãi thực hiện. Ông Trần Quang Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam – cho rằng trong giai đoạn 2010 – 2015, nếu không có những đột phá về đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh thì khó thể cởi được nút thắt cho sự đột phá.

Các chuyên gia đặt câu hỏi: VN là thị trường lớn, các DN, tập đoàn nước ngoài đổ xô vào VN để khai thác lợi ích. Nếu nhìn lại thì sẽ thấy hầu hết các lĩnh vực như điện thoại di động, máy tính, đồ điện tử… vẫn do DN nước ngoài thắng thế và chiếm lĩnh thị phần, vậy tại sao DNVN lại không thể làm được điều này? Bên cạnh đó tại VN, có khá nhiều những dự án, chương trình đẩy mạnh công nghiệp CNTT và ứng dụng CNTT, thế nhưng việc triển khai lại rất ì ạch bởi rào cản thủ tục hành chính.

Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần tăng tốc và đột phá. Chính phủ cần phải là “bà đỡ” cho các dự án hạ tầng công nghiệp phần cứng, các chương trình KHCN, nghiên cứu phát triển… Muốn có được điều này thì đi đầu vẫn là cơ chế chính sách. Tiếp đó, Nhà nước cần cùng với DN xác định những ngành then chốt để tập trung đầu tư chiều sâu, chọn ra vài chuyên ngành để đẩy mạnh, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sẵn sàng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Việc đi bằng “2 chân” là Nhà nước có những chính sách phù hợp, đầu tư trọng điểm, cùng với việc DN có được điều kiện để phát triển thì mới có thể sống tốt và cạnh tranh với DN nước ngoài trên chính sân nhà của mình.

Đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông kỳ vọng đề án tăng tốc CNTT sẽ có thể tạo bước đột phá cho công nghiệp CNTT phát triển. Đại diện này cho biết trong đề án, các vấn đề hạ tầng, nhân lực, chính sách… được hoạch định với từng bước đi chắc chắn, phù hợp. Nếu được triển khai thực hiện thì đề án không chỉ mang lại kỳ vọng VN sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo của cả CNTT và lấy CNTT làm động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)