Y tế - Văn hóaThư giãn

Mùi Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Tặng nhiều bạn bè xa xứ của tôi …

Đôi bạn – Ảnh Nguyễn Hoài Bảo dự thi Ảnh "Xuân yêu thương" 2008

Đó là một cái mùi lãng đãng, quẩn quanh trong không gian thành phố mà tôi đang sống. Cái mùi mà khi hiện diện trong những ngày bình thường, nó không hề gợi nhắc lên được điều gì, nhưng vào những ngày cuối năm âm lịch, trên đường đi làm về ban tối, thoảng qua những góc đường, đặc biệt, những góc đường gần những ngôi chùa, bạn sẽ thấy Mùi Tết dậy lên trong khứu giác…

Đó là cái mùi nhang trầm (Trầm mộc – không phải thứ trầm tẩm ướp nước hoa đến nhức đầu không biết du nhập từ đâu) lẩn khuất đâu đó trong không khí. Mùi nhang thơm nhẹ, lờn vờn,khi đi qua một nhà nào đang có cúng giỗ cuối năm, nó quyện vào mùi thức ăn tạo thành một “hỗn hợp mùi” khó gọi nên thành lời. Năm 2000, đứa-bạn-lạc-mất-20năm-mới-tìm-thấy của tôi về Việt Nam chơi. Tôi chở hắn đi lang thang khắp Sài gòn –Chợ lớn,hít phải mùi hương này hắn ngô nghê hỏi tôi: Mùi gì?

Và khi nghe tôi trả lời: Mùi Tết! hắn ồ lên một tiếng rồi im lặng suốt trên đọan đường về.Tôi cũng im,để chỉ nghe tiếng khịt mũi của bạn mình mỗi lúc một dồn dập. Sau này,mỗi khi có dịp,hắn lại tìm cách về VN vào dịp Tết. Khi không về được thì”khủng bố” tôi bằng các e-mail đòi “kể chuyện Tết”, trong đó, nhất định tôi không bao giờ được nhắc thiếu về cái Mùi Tết ma mị đó.

Mùi Tết không chỉ ở cái hương thơm,nó còn nằm rộn rã trong âm thanh. Âm thanh Tết còn rộn ràng trong tôi ở tiếng lọc cọc nghe rất vui từ những hột xí ngầu đổ cá ngựa, tiếng rao gọi lô tô và đặc biệt nhất là những hột bầu cua cá cọp 6 mặt. Khu nhà tôi ở trước đây khi chưa sửa chữa gồm có 6 căn nhà cấp 4 liền kế nhau do ông chủ đất xây vào những năm 50 của thế kỷ trước. Đất lành chim đậu, ai đến ở cũng… ở luôn mấy chục năm không dời chuyển. Đằng trước chung sân, đằng sau chung ngõ, nên tình hàng xóm thân thiết như họ hàng ruột thịt. Đám nhỏ chúng tôi lần lượt ra đời, lớn lên bên nhau hiểu rõ câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” là như thế nào.Cứ tết về, sau cúng giỗ tất bật, vào giao thừa, cái chiếu trước sân nhà tôi là nơi người lớn tụ họp ăn mứt, uống trà, nói chuyện râm ran nhiều khi đến 2-3 giờ sáng mới tan chầu.

Từ mùng một trở đi, đằng trước cửa khóa, tất cả túa ra cái ngõ sau lát ximăng đã được chà sạch từ mấy ngày trước, trải chiếu “gầy sòng”: Sòng cờ tướng của các ông, sòng tứ sắc của các bà cụ, sòng lô tô của mấy chị sồn sồn và sòng cá ngựa, bầu cua cá cọp của đám con nít lau nhau tụi tôi. Bây giờ giật mình nhìn lại, tôi chả nhớ mình đã len lỏi từ “đẳng cấp nhà cọp” (nghĩa là chung tụ với ai đó) thành nhà con (nghĩa là tự mình trực tiếp “tham chiến”) rồi thành nhà cái trong bàn bầu cua cá cọp từ hồi nào.

Cái Tết trong ký ức tôi phải là cái Tết mang những mùi vị, âm thanh một cách gia đình như thế. Cái mùi Tết mà có đi khắp cùng trời cuối đất cũng không tìm đâu ra cái thứ hai để thay thế, để cứ phải cắt lòng ra “thương nhớ Mùi xưa”…

LÂM MINH TRANG (theo TTO)

Bình luận (0)