Gần đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, câu hỏi mà người lớn và nhất là thầy cô giáo thường được các em học sinh hỏi là: “Có 18 đời vua Hùng, vậy mùng 10-3 là giỗ Hùng Vương đời thứ mấy?” hay “Vì sao ngày 10-3 lại là ngày giỗ Tổ Hùng Vương?”. Câu hỏi ấy không dễ trả lời! Bởi vì theo sách giáo viên môn tiếng Việt lớp 5 – tập 2 của Bộ GD-ĐT – Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành, ở tuần 25, bài tập đọc Phong cảnh Đền Hùng, trang 113, sau khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu câu “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” thì sách ghi rõ: “giáo viên bổ sung: Theo truyền thuyết, vua Hùng Vương thứ sáu đã “hóa thân” bên gốc cây kim giao trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh vào ngày 10-3 (năm 1632 trước Công nguyên). Từ đấy, người Việt đã lấy ngày mùng mười tháng ba làm ngày giỗ Tổ…”. Thế nhưng khi tra cứu thông tin trên mạng, không có kết quả nào như thế, đa số thông tin tìm kiếm được là: “trước đây ngày quốc tế (lễ) lấy vào mùa thu làm định kì. Đến năm 1917, tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ lễ ấn định ngày 10-3 hàng năm làm ngày quốc tế (lễ), trước ngày giỗ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày còn ngày giỗ tức 11-3 thì do dân sở tại làm lễ…”.
Như thế, nếu sách giáo viên của Bộ GD-ĐT phát hành đến từng trường đúng thì sao không tìm thấy thông tin rộng rãi để mọi người cùng biết? Nếu sách giáo viên sai thì thật là tai hại vì không biết đã có bao nhiêu học sinh được thầy cô giáo giảng giải về điều này trong suốt thời gian qua. Mong lắm thay một giải đáp chuẩn xác!
Lê Phương Trí
Bình luận (0)