Sự kiện giáo dụcTin tức

Mừng Báo Giáo Dục TP.HCM ra số 1.000: Bước đệm để báo phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Mã Diệu Cương (bìa trái) – Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam cho ông Tạ Văn Doanh – Tổng biên tập và ông Nguyễn Thanh Tú – Phó tổng biên tập. Ảnh: T.T.Q

Sáng 2-7, tại Hội Nhà báo TP.HCM, Báo Giáo Dục TP.HCM đã tổ chức buổi Họp mặt mừng số báo thứ 1.000 (bộ mới) và trao giải cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI. Tham dự buổi lễ có ông Lê Hồng Sơn – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Mã Diệu Cương – Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM; ông Trần Thanh Hải – đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.HCM cùng các thầy cô giáo, cộng tác viên…
Báo Giáo Dục TP.HCM tiền thân là tờ nguyệt san Giáo Dục & Sáng Tạo với 36 trang, khổ A4 ra đời vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-1994. Tính đến nay, báo đang chuẩn bị bước qua cái tuổi 17. Vâng! Đây là cái tuổi đánh dấu sự trưởng thành của tờ báo. Từ đây, báo sẽ tiến xa hơn nữa…
17 năm và số báo thứ 1.000
17 năm nhìn lại, Báo Giáo Dục TP.HCM đã trải qua nhiều lần đổi mới. Nhưng lần đổi mới quy mô nhất, toàn diện nhất là vào năm 2003. Lúc đó báo chuyển từ tạp chí đóng cuốn khổ A4 thành báo tờ khổ A3, điều chỉnh măng sét từ Giáo Dục & Sáng Tạo thành Giáo Dục TP.HCM, và tăng 1 tuần/kỳ lên thành 2 kỳ/tuần. Số đầu tiên báo ra khổ A3 là ngày 4-9-2003, và đến hôm nay là số báo thứ 1.000. Bên cạnh đó, Báo Giáo Dục TP.HCM còn có tập san VTM, phụ san chuyên đề Mẹ & Con, chuyên đề Làm Mẹ, chuyên đề Tuổi Thơ và một tờ báo điện tử với tên miền www.giaoduc.edu.vn.
Một trong những nguyên nhân khiến Ban biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM “liều mình” để đổi mới tờ báo một cách toàn diện vào năm 2003 là nhằm phục vụ cho những đổi mới của ngành GD-ĐT TP.HCM. Nhất là trước đó, năm 1999 được lãnh đạo thành phố chọn là Năm giáo dục. Trong quá trình đổi mới và phát triển, báo đã gặp không ít khó khăn. Thậm chí có giai đoạn khủng hoảng, nhất là về tài chính. Song, “Chúng tôi đã chịu đựng gian khổ để vượt qua mọi khó khăn và có được những thành công của ngày hôm nay. Sự thành công này không thể không kể đến sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, đặc biệt là đồng chí Huỳnh Công Minh khi còn đương chức Giám đốc sở. Bên cạnh đó là sự ủng hộ nhiệt tình của các phòng GD-ĐT, các đơn vị trường học, các doanh nghiệp…”, ông Tạ Văn Doanh – Tổng biên tập báo khẳng định.

Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn trao giải tập thể cho đại diện Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp). Ảnh: T.T.Q

“Sự thành công lớn nhất của Báo Giáo Dục TP.HCM hiện nay chính là tờ báo đã có một vị trí xứng đáng trong lòng bạn đọc thành phố và cả nước. Nội dung các ấn phẩm của báo luôn đảm bảo tốt định hướng tích cực, đi sâu phục vụ các đối tượng cụ thể của ngành ở bậc mầm non, tiểu học, trung học, CĐ, ĐH; đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý; các bậc phụ huynh… Các ấn phẩm của báo, nhất là tờ chính trở thành diễn đàn chung của bạn đọc”, ông Nguyễn Thanh Tú – Phó tổng biên tập báo nhấn mạnh.
Nhiều mong đợi từ bạn đọc
Đúng như lời khẳng định của ông Tạ Văn Doanh, sự phát triển của Báo Giáo Dục TP.HCM không thể không kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị, đặc biệt là các trường học. Và Q.7 là một trong những đơn vị đó. Tính đến nay, hầu hết các trường học công lập và ngoài công lập từ mầm non trở lên trên địa bàn Q.7 đều đặt mua Báo Giáo Dục TP.HCM. Không phải bỗng dưng mà đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ngành GD-ĐT Q.7 lại “kết” Báo Giáo Dục TP.HCM như vậy. Theo ông Ngô Xuân Đông – Trưởng phòng GD-ĐT Q.7: “Báo là một món ăn tinh thần không thể thiếu cho những người quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là những người công tác trong ngành giáo dục. Báo đã cung cấp cho đội ngũ giáo viên những thông tin về giáo dục, chủ trương của ngành một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất. Qua đó, các đơn vị trường học đã thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn”… Ông Lê Phương Trí – giáo viên Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4 là cộng tác viên thường xuyên của báo cũng chia sẻ: “Tôi bắt đầu đọc Báo Giáo Dục TP.HCM từ khi báo còn là nguyệt san Giáo Dục & Sáng Tạo. Tôi đã nhìn thấy được sự phát triển, đặc biệt là về nội dung của tờ báo. Qua báo, tôi có dịp chia sẻ những đồng cảm, kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó tôi cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích”.
Nói như vậy không có nghĩa là Báo Giáo Dục TP.HCM đã quá hoàn hảo. Thực tế, bạn đọc vẫn còn mong đợi nhiều hơn nữa ở báo… Theo như ông Trí: “Báo nên mở thêm chuyên mục tư vấn dạy con, tư vấn học đường. Nếu báo có thêm những mục như thế thì lượng độc giả sẽ tăng lên, báo càng phát triển hơn. Tôi mong Báo Giáo Dục TP.HCM không chỉ mỗi tuần ba kỳ mà là mỗi ngày một kỳ, mong mỗi sáng mai thức dậy khi ra ngoài đường thấy báo được treo ở các sạp…”.
Hàng ngàn bài thi cho một cuộc thi

Ông Tạ Văn Doanh – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM tặng kỷ niệm chương tri ân cho TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Cuộc thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI năm học 2010-2011 với đề bài: “Hiệu trưởng toàn năng?” do nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đưa ra. Cuộc thi đã thu hút hàng ngàn bạn đọc, thầy cô giáo tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Quảng Bình… tham gia. Kết quả, giải nhất thuộc về cô Nguyễn Thị Huyền – Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp; giải nhì – cô Trần Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đông, Q.Thủ Đức; giải ba – thầy Lê Đức Đồng, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng và 10 giải khuyến khích. Giải tập thể là Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp.
 
Tại buổi lễ trao giải, cô Nguyễn Thị Huyền (giải nhất) xúc động nói: “Khi đọc tờ báo Giáo Dục TP.HCM ra ngày 20-6, có đăng danh sách những người đạt giải cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI, tập thể Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp và cá nhân tôi vui đến bàng hoàng. Vì có hàng ngàn người tham gia cuộc thi vậy mà chúng tôi lại được giải tập thể, ba giải khuyến khích và giải nhất. Sở dĩ chúng tôi tham gia cuộc thi này là do trước đó tôi được đi dự lễ phát động. Tại đây, tôi được nghe Ban biên tập báo, thầy Huỳnh Công Minh – lúc đó là Giám đốc Sở GD-ĐT TP – nói về cuộc thi. Và tôi cũng được làm quen với cô Trang, Trường Tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp (năm ngoái trường này đạt giải tập thể – PV). Tôi cứ suy nghĩ mãi, tại sao Trường Kim Đồng làm được mà trường mình không làm được. Tôi đem suy tư của mình tâm sự với cô Hồng Việt (Hiệu trưởng của trường lúc đó). Cô Hồng Việt nói đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, chúng ta nên tham gia. Sau đó chúng tôi đã phát động cuộc thi này tới tất cả giáo viên, cán bộ trong trường. Nhà trường đã thành lập ra Ban tổ chức, giáo viên viết bài còn sơ sài là chúng tôi động viên viết lại. Có thể nói phần thưởng mà chúng tôi nhận được ngày hôm nay đã phần nào đền đáp những công sức mà chúng tôi bỏ ra”…

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó hiệu trưởng Thường trực Trường CĐ Nghề CNTT iSPACE trao thưởng cho các thầy cô đoạt giải cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI vào sáng ngày 2-7. Ảnh: T.T.Q

 
“Tôi mong rằng Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ tạo ra nhiều sân chơi để giáo viên có cơ hội nâng cao kinh nghiệm, yêu nghề hơn. Đây mới chính là phần thưởng cao nhất mà bạn đọc nhận được từ các cuộc thi của báo…”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo.
Hòa Triều

 

“Với những thành tích mà Báo Giáo Dục TP.HCM đã đạt được, cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo. 17 năm tuy không phải là thời gian dài nhưng đó là bước chuyển mình của tờ báo, là bước đệm để báo phát triển. Thời gian tới, báo cần tăng thêm nhiều chuyên mục để mở rộng đối tượng bạn đọc. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần nâng cao tay nghề để làm nên tờ báo hay hơn, có nhiều thông tin bổ ích và kịp thời cho bạn đọc”, trích phát biểu của Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)