Bục giảng có thể trở thành sân khấu đóng kịch, học sinh là những nhà diễn thuyết, nhà phản biện với những chủ đề mới lạ.
Cô Thùy Trang và những học sinh Trường Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Thúy Hằng
Đó chỉ là một vài cách mà cô Nguyễn Phạm Thùy Trang, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM truyền cảm hứng cho các học trò.
Nhà sáng chế “osin chạy xe SH dỏm”
Nhắc đến cô Trang, học trò Trường Trần Đại Nghĩa nhớ tới những mẹo học tiếng Anh độc và lạ. Nhắn HS phát âm từ “thanks” chuẩn nhất, cô nói mỗi trò cùng đưa ngón tay trỏ ra trước miệng, bật âm đến khi lưỡi chạm ngón tay là chính xác. “Muốn làm cách này, các em nhớ rửa tay sạch nha”, HS dưới lớp cười khúc khích. Để HS không quên những từ cần thêm “es”, cô ngân nga “Osin chạy xe SH dỏm”, tương ứng với các từ sẽ kết thúc bằng o-s-ch-x-sh-z.
Để HS nhớ những từ cần bật âm /s/ trong phát âm, cô nghĩ ra câu “Thèm cafe phở tái”, tương ứng từ có tận cùng là “Th-K-P-T”. Những từ cần bật âm /t/ ở cuối, nếu những từ kết thúc bằng “ed” là Ch-Sh-S-X-K-P-F, từ đó cô Trang có câu thơ “Chó sủa xôn xao khắp phố phường”. Những ví dụ nhỏ này khiến HS vừa nhớ bài vừa khiến giờ học thêm vui và sôi động hơn.
Khắc phục tình trạng HS giỏi ngữ pháp nhưng rụt rè không dám nói, cô Trang có nhiều cách khiến trò nói nhiều hơn, như đóng kịch, làm video clip phỏng vấn tiếng Anh về một chủ đề, chia nhóm để thảo luận sau đó thuyết trình, để nhóm này phản biện với nhóm kia, tất cả đều bằng tiếng Anh… Để trò vừa nói giỏi, vừa viết hay, cô Trang mang tới lớp những tập phim ý nghĩa có phụ đề tiếng Anh để cô trò cùng xem, sau đó mỗi học trò viết bài cảm nhận về một nhân vật nào đó mình có nhiều cảm xúc nhất.
Uống trà sữa, nghe nhạc theo trào lưu 10x
Để hiểu và gần gũi hơn những học trò thế hệ 10X, cô giáo 7X kết bạn với trò trên Facebook, thi thoảng đi uống trà sữa, cập nhật tin tức về giới trẻ, tìm hiểu các nhóm nhạc Hàn Quốc đang “hot”, những bản “hit” của Alan Walker hay Taylor Swift để có những đề bài nói – viết gần gũi hơn với học trò.
Theo cô Trang, thế hệ HS hôm nay rất thông minh, chỉ cần có người gợi mở, các em sẽ phát huy trí tuệ, sự sáng tạo khiến người lớn phải ngỡ ngàng. Cô ví dụ: “Các em phân vai, đóng những vở kịch như Cô bé quàng khăn đỏ hay Romeo và Juliet với những phiên bản rất vui và lạ. Khi tôi ra chủ đề bảo vệ môi trường chẳng hạn, các em mang máy quay đi phỏng vấn các bạn trong trường về những cách các bạn đang làm sau đó dựng thành những đoạn phim rất hay…”.
Dạy bài hay, gần gũi với học trò, cô Trang thường xuyên nhận được những lá thư tay, tin nhắn bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt, bày tỏ sự biết ơn, ngưỡng mộ. “Mới đây thôi, một HS lớp 9 nói sau này nhất định em sẽ phải trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh giống như tôi. Nghẹn ngào, tôi hiểu ra rằng, mỗi giáo viên sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới những học trò vì vậy ngày ngày tôi đều cố gắng làm sao để mỗi tiết học là sự trao đi – nhận lại những yêu thương”, cô giáo tiếng Anh bộc bạch.
Theo Thúy Hằng/TNO
Bình luận (0)