Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mừng và lo cho việc học ở quê hiện nay

Tạp Chí Giáo Dục

Về thăm quê mấy ngày trong dịp hè, tôi thấy việc học hành ở đây đã khác xưa nhiều lắm. Những ngôi trường mới khang trang, bề thế từ mầm non đến THPT mọc lên khắp các huyện, xã. Đường sá sạch đẹp, rộng rãi hơn, hầu hết đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, cùng với hệ thống đèn đường chiếu sáng suốt đêm…, đã tạo thuận lợi cho việc học hành, giảm bớt sự khó khăn trong việc đi lại của các em học sinh ở miền quê hiện nay. Em gái tôi có hai cháu nhỏ, khi kinh tế gia đình khá giả hơn một chút, cũng tính đến việc cho cháu lớn học thêm trong hè một bộ môn nghệ thuật. Sau khi tìm hiểu, em tôi quyết định cho cháu học đàn piano. Em nói, ở quê mình giờ người ta quan tâm, đầu tư cho việc học của con cái nhiều lắm. Nhiều trung tâm gia sư và cả trường học cũng mở lớp học suốt cả hè. Hai cháu nhà em cũng học 3 buổi sáng.

Tôi có người bạn học thời nhỏ ở quê thuộc dòng họ nhà “Lê Cao”, bây giờ rất thành đạt. Để khuyến khích con cháu học tập chăm chỉ, sống tốt, cứ dịp tổng kết mỗi năm học, anh tài trợ để trao giấy khen cùng một khoản thưởng cho những đứa cháu có thành tích học giỏi, sống tốt. Tôi nhớ có lần về quê vợ ở Quảng Nam trong dịp Tết, bác trưởng tộc của dòng họ “Nguyễn Đức” cũng có buổi lễ tuyên dương con cháu trong dòng họ mình. Quả thật đây là những việc làm rất ý nghĩa. Chịu khó thống kê sẽ thấy rằng, những năm gần đây, ngày càng nhiều thí sinh đạt điểm rất cao trong kỳ thi THPT quốc gia hoặc thủ khoa các trường ĐH là học sinh các trường huyện, trường làng. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui về sự khởi sắc của việc học ở quê, cũng không khỏi chạnh lòng vì còn lắm nỗi niềm. Đó là một số em học khá giỏi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải “đứt gánh giữa đường”. Một số học sinh vì áp lực tiền học phí, vì lo lắng công việc làm khi ra trường, nên chẳng thiết tha việc học lên ĐH. Đáng báo động nhất là một bộ phận không nhỏ trẻ ở quê hiện nay, không theo đuổi nổi việc học nhưng lại quay lưng với trường nghề, thờ ơ với những công việc chân tay, vườn tược đồng áng, suốt ngày lêu lổng, đua đòi với chúng bạn, sa sẩy vào con đường tệ nạn, và trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội ở miền quê hiện nay.

Trn Nhân Trung (TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)