Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mười câu thơ, một sự gạch nối

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những đặc điểm bút pháp Truyện Kiều là ở những đoạn chuyển tiếp, sau một cảnh đau lòng và sắp có sự kiện thứ hai là đoạn thơ đau đớn, suy ngẫm cuộc đời. Nếu không trực tiếp nói lên lòng mình hay bật lên tiếng kêu như chính mình bị đau đớn, đày đọa thì Nguyễn Du cũng thông qua nhân vật chính diện để viết nên tiếng kêu, lời bình về nỗi đau thương ấy.
Thúy Kiều sau vụ hãi hùng đến kinh dị là Thúy Kiều bỏ trốn theo Sở Khanh để Tú bà bắt, đánh đập để chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa và việc Kiều chấp nhận tiếp khách, Tú bà dạy nghề chốn thanh lâu. Cả hai sự việc đều quá lớn, quá đứt ruột, đau lòng. Vấn đề được đặt ra: Hai sự kiện ấy, Nguyễn Du có viết liền một mạch thơ? Viết liền cũng có lí vì sự kiện thứ nhất là nguyên nhân, tạo tiền đề cho sự kiện thứ hai. Nhưng Nguyễn Du không làm thế. Nguyễn Du chen vào giữa một đoạn thơ miêu tả tâm trạng đau đớn của Thúy Kiều và nỗi bất bình của bản thân tác giả đối với sự bất công ở đời. Buồng riêng riêng những sụt sùi/ Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân/ Tiếc thay trong giá trắng ngần/ Đến phong trần cũng phong trần như ai/ Tẻ vui cũng một kiếp người/ Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru/ Kiếp xưa đã vụng đường tu/ Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi/ Dẫu sao bình đã vỡ rồi/ Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!
Mười câu thơ ai oán, buốt nhức. Nhưng tựu trung ở bốn câu đầu, Nguyễn Du lại một lần nữa đáng bậc thầy ngôn ngữ tiếng Việt. Buồng riêng riêng những ngậm ngùi… Dùng hai từ riêng liên tiếp làm người đọc phải đọc chậm rãi, ngẫm nghĩ… Chữ riêng đầu là chỉ cái buồng Thúy Kiều đang ở. Kiều đang cô đơn, hiu quạnh. Kể cũng chẳng có gì, nhưng đến chữ riêng sau thì nghĩa đã khác. Đây là tâm tư, nỗi chua xót cho hoàn cảnh đau đớn của mình. Cũng như vậy, hai chữ thân ở câu tiếp theo: Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân cũng ở hai cung bậc khác nhau. Chữ thân đầu là chỉ chung cho mọi người, nhưng chữ thân sau là chỉ riêng cho Kiều. Một tấm thân mang nặng nỗi đau buồn, uất ức. Để rồi, một chữ thân ở câu cuối cùng (câu thứ 10) được đưa ra với ý nghĩa khác hẳn: Lấy thân mà trả nợ đời… Nếu thân ở trên nặng trĩu tâm tư, chất chứa bao điều cay đắng thì chữ thân ở câu lấy thân chỉ còn lại cái nghĩa vật chất, cái thân xác như vô hồn. Thúy Kiều đành đem cái thân xác ấy mà trả nợ đời! Đoạn sau lúc phải tiếp khách đêm đêm, ngày ngày cụ Nguyễn trở lại với ý tứ này.
Rồi: Tiếc thay trong giá trắng ngần/ Đến phong trần cũng phong trần như ai. Phong trần là gió bụi là cuộc sống bẩn đục. Tưởng cái cảnh phong trần ấy, Thúy Kiều đã và sẽ xa lánh mãi mãi. Không ngờ, Kiều cũng như mọi người bất hạnh đều không tránh khỏi. Nói về Thúy Kiều hay nhà thơ nói về bản thân mình? Rồi bao người trong chúng ta cũng có khi đọc lại câu Kiều này.
Mở đầu cho hai câu thơ ấy là hai chữ tiếc thay. Thúy Kiều tiếc hay Nguyễn Du tiếc? Khi dùng đến từ tiếc tức nằm trong hai hoàn cảnh: Một là ta thương, ta quyến luyến một vật, một người, một điều cao đẹp nào đó đã mất. Hai là: Thân ta đáng trọng, đáng quý thế này mà rơi vào hoàn cảnh, vào việc làm tồi tệ, hạ thấp nhân cách của ta.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng năm lần hai chữ tiếc thay: Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về (Thân Kiều trong trắng, trinh bạch, thơ ngây là vậy mà bị Mã giám sinh phũ phàng một cơn mưa gió nặng nề). Tiếc thay trong giá trắng ngần/ Đến phong trần cũng phong trần như ai (nói Thúy Kiều vốn là cô gái có đức hạnh trong trắng như ngần (chữ ngần có hai cách giải thích, một là bạc (kim loại), mấy bản Kiều nôm hiểu theo nghĩa này đều viết chữ ngần có bộ kim, hai là con cá ngần). Cá ngần trắng trong suốt từ ngoài vào trong. Chúng tôi cho rằng hiểu theo nghĩa thứ hai này có lí hơn. Tiếc thay lưu lạc giang hồ/ Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài (lời của Hoạn thư khen Thúy Kiều trước mặt Thúc sinh). Tiếc thay nước đã đánh phèn/ Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần (Thúy Kiều muốn trở lại cuộc sống trong sạch, muốn làm người lương thiện nhưng không được). Năm lần tiếc thay, năm cảnh ngộ, năm tình ý.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)