Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Mười năm cõng hai con đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Bữa khai giảng năm học mới đây, thầy cô và học sinh trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cùng các quan khách có mặt lặng đi vì xúc động khi em La Thành Toàn (lớp 10/10) được mẹ bế lên lễ đài nhận phần thưởng của Hội Khuyến học.
Toàn là nạn nhân chất độc da cam không tự đi lại được. Đôi chân của em chính là người mẹ đang một nách nuôi sáu đứa con, một mẹ già và người chồng tàn phế…
Em La Thành Toàn ngồi học với chiếc bàn thiết kế riêng để ngồi với xe lăn. Ảnh: Phạm Được

Bán nhà chữa bệnh cho con      

Người mẹ ấy là chị Trần Thị Hoa, 43 tuổi, tổ 11 Sơn Thủy, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Năm 1985, chị Hoa lập gia đình với anh La Thành Cang, bộ đội đóng quân ở Tây Nguyên vừa xuất ngũ. Anh Cang làm nghề xe ôm, chị Hoa làm ruộng, cuộc sống tuy đạm bạc nhưng vợ chồng đầm ấm bên nhau.

Trong buổi lễ khai giảng, Hội Khuyến học trường THPT Ngũ Hành Sơn đã trao cho em La Thành Toàn phần thưởng 600.000 đồng để đóng chiếc xe lăn vừa là bàn học, cho Toàn không té ngã khi ngồi.

Ngoài ra, trường cũng miễn giảm hoàn toàn học phí, các khoản đóng góp và giúp về sách vở.
Chứng kiến nghị lực của em La Thành Toàn, ông Nguyễn Nho Trung – Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn trao tặng 2 triệu đồng.     

Từ năm 1988 đến năm 2000, sáu đứa con lần lượt ra đời, bốn gái hai trai. Nhưng bất hạnh thay, hai đứa con trai là La Thành Toàn (sinh năm 1992) và La Thành Nghĩa (sinh năm 1995) đều bị di chứng chất độc da cam, tay chân teo tóp. Anh Cang nhiễm chất độc da cam trong thời gian đóng quân ở Tây Nguyên.

 

Lúc đầu chị Hoa, anh Cang nghĩ đó chỉ là loại bệnh nào đó có thể chữa khỏi, vì mấy đứa con gái hoàn toàn bình thường. Anh chị đưa con đi chạy chữa khắp nơi, tiền thì hết mà bệnh con vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ bảo hai cháu bị di chứng chất độc dam cam, không chữa được, anh chị mới chịu chấp nhận số phận.
Tiền hết, nhà cũng đã bán đi, trắng tay, vợ chồng con cái dắt díu nhau nương nhờ ở nhà chị gái anh Cang. Bi kịch một lần nữa ập lên gia đình chị Hoa vào năm 2003. Anh Cang bị tai nạn xe máy, tàn phế không còn lao động được nữa. Mỗi khi trái gió trở trời anh lên cơn thần kinh phá phách, đánh đập vợ con.
Một mình chị Hoa phải cáng đáng gánh nặng gia đình. Con gái đầu của chị bỏ học giữa chừng, đi làm thuê ở trong Nam cũng chỉ đủ nuôi thân, không phụ giúp được gì cho mẹ. Con thứ lấy chồng, gia đình nghèo.Vì thế chị tất bật suốt ngày, dường như không có phút nào ngơi nghỉ, nhưng vẫn không đủ ăn.
Năm 2006, chị buộc phải gửi hai con gái là La Thị Cẩm Giang (sinh năm 1994), và La Thị Cẩm Duyên (sinh năm 2000) vào làng Hy Vọng, một tổ chức từ thiện nuôi hộ để có điều kiện chăm sóc chồng và hai con trai tàn phế, bệnh tật.     
Cảm  thương trước hoàn cảnh khốn khó của chị, năm 2006 chính quyền địa phương cất cho chị căn nhà tình thương. Nhưng cuộc sống của gia đình chị hiện vẫn vô cùng khó khăn.
Ngoài phụ cấp mỗi tháng 150.000 đồng của Hội Chất độc da cam cho hai anh em Toàn – Nghĩa, và 240.000 đồng trợ cấp bệnh tâm thần cho anh Cang, thu nhập chỉ trông vào mấy con heo, chút tiền từ thu lượm ve chai…
Cảnh thường thấy của mẹ con chị Hoa từ 10 năm nay mỗi khi Toàn tan trường

Còn một con đường      

Vậy mà chưa khi nào chị có ý định cho hai đứa con trai của mình thôi học. Hiện, Toàn học lớp 10 trường THPT Ngũ Hành Sơn, còn Nghĩa học lớp 8 trường THCS Huỳnh Bá Chánh. Chị đưa Toàn đến trường rồi lại chạy về chở Nghĩa. Tan học, hai con lại được chị lại tiếp tục hành trình như thế đưa về nhà.
Ngày nắng cũng như mưa, suốt nhiều năm qua chị làm đôi chân cho các con đến trường. “Con mình có số phận không may, mình phải ráng lo cho nó. Phải cho hai cháu đi học để mở mang sự hiểu biết, đi học cho vơi đi nỗi buồn, chứ quanh quẩn ở nhà thì buồn lắm, tội lắm”- Chị Hoa tâm sự.      
Điều an ủi cho chị Hoa là Toàn và Nghĩa, nhiều năm liền là học sinh khá giỏi. Thấy con thông minh, sáng dạ chị lại bừng lên hi vọng con mình có thể học lấy một cái nghề về máy tính, hay tin học gì đó để kiếm sống sau này, và đó là con đường duy nhất cho Toàn và Nghĩa.
Mấy mẹ con ao ước có chiếc máy vi tính. Mới đây, ước mơ đó đã thành sự thật khi một nữ diễn viên người Mỹ thông qua Hội Nạn nhân Chất độc da cam thành phố Đà Nẵng tặng máy vi tính cho Toàn và được nối mạng. Nhưng chiếc máy tính nối mạng chỉ dùng được sáu tháng vì “ba tháng chưa nộp tiền Internet, họ cắt rồi”- Chị  Hoa nói.      

 Phạm Được (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)